ở cuối tàu, cảm giác như chúng cũng là hoa sóng. Lúc mặt trời lặn, ráng
chiều bừng lên, chim biển kết thành từng đàn bay đi, dần dần mất hút giữa
trời biển bao la như những làn khói bếp.
Khi Tống Cương ngồi trên đoàn tầu Quảng Châu đi Thượng Hải, đã
không còn chim biển. Tống Cương lại đeo khẩu trang. Anh biết bệnh phổi
của mình càng ngày càng nặng. Lần nào ho cũng làm cho vết thương dưới
nách đau như sắp vỡ. Lúc này Tống Cương có thể lấy ra tấm ảnh chụp kỷ
niệm ngọt ngào, Tống Cương trẻ trung, Lâm Hồng trẻ trung, ngay đến
chiếc xe đạp mác Vĩnh Cửu cũng trẻ trung. Đã hơn nửa năm trời, anh
không lấy tấm ảnh ra. Anh sợ nhìn bức ảnh, anh sẽ thương nhớ rất nhiều, sợ
mình sẽ bỏ dở giữa chừng trở về thị trấn Lưu. Bây giờ anh không sợ gì nữa.
Mắt anh lúc nào cũng nhìn Lâm Hồng trong tấm ảnh. Thi thoảng anh cũng
nhìn nụ cười của mình khi còn trẻ. Nhưng trong đầu anh vẫn có bóng chim
biển đang bay liệng.
Khi gió thu thổi, lá rụng, Tống Cương kéo chiếc va ly đi ra khỏi bến
xe đường dài của thị trấn Lưu, người đàn ông đeo khẩu trang đã trở về
trong hoàng hôn. Anh giẫm lá rơi trên đất, bước chân lạo xạo đi về nhà
mình. Tiếng hít thở trong khẩu trang của anh cũng kêu phập phù. Anh xúc
động lạ thường, sắp gặp Lâm Hồng đến nơi rồi. Nghĩ vậy khiến anh lên cơn
ho dữ dội. Nhưng anh không cảm thấy đau đớn ở vết thương dưới nách.
Anh rảo bước trên phố lớn thị trấn Lưu. Ánh điện nê ông sáng choang từ
hai bên đường phố và tiếng nhạc xập xình hỗn loạn, thoảng như mây khói
trôi qua. Khi anh nhìn thấy cửa nhà mình hiện ra xa xa, nước mắt anh mờ
nhoà. Anh bỏ kính ra, một tay kéo chiếc va ly, một tay lấy vạt áo lau mắt
kính.
Tống Cương đã về đến cửa nhà mình. Khi còn ở trên bến xe đường
dài, anh đã cầm chìa khoá trong tay. Chiếc chìa khoá đang ở trong lòng bàn
tay kéo va ly. Anh bỏ va ly xuống. Khi xỏ chiếc chìa khoá đẫm mồ hôi vào
lỗ khoá, anh lưỡng lự một lát, và quyết định gõ cửa. Anh đã gõ ba tiếng, lại