lãnh đạo Sion muốn tái lập quốc gia Sion tại phần đất đang có quân đội
Anh chiếm đóng.
Cuộc đấu tranh ngoại giao với nước Anh
Tới giai đoạn này, người Do-Thái đã nhìn thấy rõ rệt sự thật sau đây :
muốn lập quốc trở lại tại Palestine thì phải dàn xếp với nước Anh, là nước
có chủ quyền tại vùng quê hương Do-Thái.
Công cuộc dàn xếp cụ thể với người Anh đã được Bác sĩ Weizmann đề
ra, và đó cũng là sáng kiến đầu tiên về phía Do-Thái, đối với việc lập quốc
trở lại tại Palestine. Cuộc dàn xếp, nhân danh dân Do-Thái, với người Anh,
phải được coi là một sáng kiến, ở điểm các nhà lãnh đạo Luân-Đôn, đang
có khuynh hướng thời đó là cứ để cho đám người Do-Thái sanh sống trở lại
tại Palestine, nhưng toàn vùng này sẽ phải biến thành một thuộc địa đặt
dưới quyền cai trị và luật lệ của người Anh. Nghĩa là nếu không có một
cuộc dàn xếp dứt khoát, và nếu người Do-Thái chỉ biết lo có một việc là trở
về phát triển vùng Palestine, thì quốc gia Do-Thái sẽ không khi nào xuất
hiện được nữa, vì thay vào đó, chỉ có một thuộc địa mới của Anh tại vùng
kế cận kênh Suez và Đất Thánh mà thôi. Khi đó, nếu người Do-Thái nói tới
chuyện quốc gia và tự trị, tất là họ trở thành phiến loạn đối với đế quốc
Anh, và một cuộc chiến sẽ không thể tránh được giữa quân đội hoàng gia
Anh với đám người Do-Thái, cuộc chiến này chắc chắn sẽ không khi nào
mang lại được những thắng lợi cuối cùng cho đám người Do-Thái, khi mà
cả một cường quốc như Anh sẽ lâm trận với quyết tâm dẹp phiến loạn, và
với sự ủng hộ chánh thức của các cường quốc đồng minh trên toàn thế giới.
Trước đây (1914), người Do-Thái cho rằng chỉ còn phải đối phó với
đám người Ả-Rập địa phương là đủ. Nhưng tới khi cuộc thế chiến chấm
dứt, dân Do-Thái mới thấy rằng đối thủ Ả-Rập vẫn còn nguyên đó, mà lại
phải đối phó thêm với một thế lực mạnh gấp bội người Ả-Rập : đó là đế
quốc Anh và các nhà lãnh đạo Luân-Đôn, đang nhìn về phía kênh Suez.