thất thủ, thì những phần tử Anh đã đòi hỏi Do-Thái phải tôn trọng quyền
bất khả xâm phậm của họ, vì họ là một cường quốc đứng ngoài cuộc chiến.
Nhưng họ vẫn bị bắt làm tù binh như thường, và đã phải khai rõ cấp bực và
nhiệm vụ mà họ phải làm tại Palestine. Biết rằng không còn ném đá giấu
tay, đem lửa đốt nhà người để hôi của được nữa, chánh phủ Luân-Đôn
chánh thức ban hành lệnh rút hết người Anh khỏi Palestine. Lần này thì rút
thiệt, vì lý do chẳng đặng đừng là các thành phố lớn tại đây đều đã lọt hết
vào tay quân giải phóng Haganah.
Tuyên ngôn lập quốc
Ngày 9-3-1948, chánh phủ lâm thời Do-Thái được thành lập. Chánh
phủ này có tánh cách liên hiệp tất cả các lực lượng chánh trị của dân Do-
Thái, nên nó gồm mười hai người của Chi nhánh Do-Thái, mười bốn người
của Hội đồng Quốc gia Do-Thái, và sáu nhân vật không ở trong tổ chức
nào.
Ngày 28-3-1948, đại diện của Huê-kỳ tại Liên Hiệp Quốc chánh thức
tuyên bố rằng : « Nước Mỹ từ bỏ tất cả những kế hoạch chia đất tại
Palestine », nghĩa là Huê-kỳ, vào năm 1948, chống lại việc thành lập một
nước Do-Thái độc-lập, vì những quyền lợi quá lớn mà nước Mỹ đang dàn
xếp với các nước Ả-Rập. (Giờ đây, 1973-74, chánh sách của Huê-kỳ lại
ngược hẳn khi trước, có lẽ vì Do-Thái đã trở nên một nước hùng mạnh, có
thể giúp cho các ý đồ mới của Huê-kỳ tại Trung Đông được. Chánh trị là
vậy, khi thì thù địch triệt để, muốn diệt nhau, nhưng khi không diệt được thì
lại tính tới việc dàn xếp và giúp đỡ để lấy lợi).
Ngày 16-4-1948, một phiên họp bất thường của Đại hội đồng Liên
Hiệp Quốc được triệu tập tại Nữu-Ước. Các nước Ả-Rập được Anh và Mỹ
ủng hộ triệt để, tìm hết cách vận động với Liên Hiệp Quốc để bác bỏ việc
lập quốc của Do-Thái. Nhưng các thế lực không tán thành ý đồ độc tôn của