www.updatesofts.com
Chương 1
LẬP TRÌNH HƯỚNG ĐỐI TƯỢNG
Mục tiêu
Kết thúc chương, học viên có thể:
Định nghĩa Lập trình hướng Đối tượng (Object-oriented Programming).
Nhận thức về Trừu tượng hóa Dữ liệu (Data Abstraction).
Định nghĩa một Lớp (Class).
Định nghĩa một Đối tượng (Object).
Nhận thức được sự khác biệt giữa Lớp và Đối tượng.
Nhận thức được sự cần thiết đối với Thiết lập (Construction) và Hủy (Destruction).
Định nghĩa tính Bền vững (Persistence).
Hiểu biết về tính Thừa kế (Inheritance).
Định nghĩa tính Đa hình (Polymorphism).
Liệt kê những thuận lợi của phương pháp hướng Đối tượng.
1.1 Giới thiệu về Lập trình hướng Đối tượng (Object-oriented Programming)
Lập trình hướng Đối tượng (OOP) là một phương pháp thiết kế và phát triển phần mềm.
Những ngôn ngữ OOP không chỉ bao gồm cú pháp và một trình biên dịch (compiler) mà
còn có một môi trường phát triển toàn diện. Môi trường này bao gồm một thư viện được
thiết kế tốt, thuận lợi cho việc sử dụng các đối tượng.
Đối với một ngôn ngữ lập trình hỗ trợ OOP thì việc triển khai kỹ thuật lập trình hướng đối
tượng sẽ dễ dàng hơn. Kỹ thuật lập trình hướng đối tượng cải tiến việc phát triển các hệ
thống phần mềm. Kỹ thuật ấy đề cao nhân tố chức năng (fucntionality) và các mối quan
hệ dữ liệu.
OOP là phương thức tư duy mới để giải quyết vấn đề bằng máy tính. Để đạt kết quả, lập
trình viên phải nắn vấn đề thành một thực thể quen thuộc với máy tính. Cách tiếp cận
hướng đối tượng cung cấp một giải pháp toàn vẹn để giải quyết vấn đề.
Hãy xem xét một tình huống cần được triển khai thành một hệ thống trên máy vi tính:
việc mua bán xe hơi. Vấn đề vi tính hóa việc mua bán xe hơi bao gồm những gì?
Những yếu tố rõ ràng nhất liên quan đến việc mua bán xe hơi là:
1) Các kiểu xe hơi (model).