họ. Nếu thị trường chứng khoán cất cánh, họ sẽ gác việc tiết kiệm lại và ra ngoài ăn
tối thường xuyên hơn, không quên ba hoa với bạn bè về “kỹ năng” chọn lựa đúng cổ
phiếu để đầu tư của mình. Vài người khác thì lấy một phần lợi nhuận để mua xe mới,
thuyền mới. Tương tự, nếu giá nhà tăng, một vài người sẽ vay thế chấp nhiều hơn để
sửa sang lại nhà bếp hay cơi nới ngôi nhà của mình.
Có thể bạn sẽ nói con người thật là ngu ngốc và thiển cận khi mau chóng tiêu xài
số tiền lời vừa kiếm được. Tuy nhiên, sự thật là khá nhiều người đã đặt ra cho mình
những định mức mong đợi nhất định về sự giàu có, và khi giá tài sản tăng nhanh hơn
khiến mức đó đạt được sớm hơn họ dự đoán, thì tại sao họ lại không thể tiêu xài
nhiều hơn kia chứ? Nói gì thì nói, với đại đa số chúng ta, việc mua vào và giữ một
tài sản nào đó cũng chỉ nhằm mục tiêu là tiêu xài vào một thời điểm sau này mà thôi.
Tất nhiên nếu việc tăng giá là tạm thời và sau đó giá lại hạ, mọi người sẽ nhận ra
mọi chuyện. Tuy nhiên vẫn có nguy cơ là sau một đợt tăng giá người ta lại cùng kỳ
vọng sẽ có một đợt tăng giá mới, và do đó lại tiêu xài nhiều hơn nữa.
Có nhiều bằng chứng cho thấy hầu hết mọi người không tiêu xài những gì kiếm
được ngay lập tức, mà phản ứng lại một cách từ từ. Có thể họ dần dần nhận ra họ
đang giàu lên, hoặc cũng có thể họ thận trọng, chỉ tiêu xài lợi nhuận kiếm được (do
tài sản tăng giá) khi tin rằng lợi nhuận này mang tính thường xuyên và ổn định. Tuy
nhiên vẫn có khả năng xảy ra một cái bẫy ở đây. Việc phán đoán liệu sự tăng giá tài
sản là thường xuyên, liên tục hay không lại chủ yếu dựa vào việc mức giá đó được
duy trì trong một thời gian, hơn là việc nhìn nhận xem việc định giá tài sản hiện tại
có hợp lý hay không. Nhưng khi bong bóng phát triển, giá thường vượt quá mức
định giá hợp lý trong một thời gian tương đối dài, và khi đó mọi người bắt đầu coi
những mức giá cao này là bình thường và hợp lý.
Một phản ứng thông thường nữa trước sự tăng giá của tài sản là việc khi đó người
ta gia tăng vay mượn để tài trợ cho những khoản tiêu xài của mình. Ở Mỹ, người ta
dễ dàng vay tiền khi có chứng khoán thế chấp, ngay cả khi danh mục chứng khoán
mà bạn đang nắm là khá khiêm tốn. Ở các nước khác, chỉ những ai có danh mục đầu
tư lớn mới có thể vay tiền thế chấp bằng chứng khoán, mặc dù vẫn có những cách
khác để tăng đòn bẩy tài chính của họ, như CFD (contract for differences: hợp đồng
mua bán sự chênh lệch), ETF (exchange traded funds) hay ở Anh là “các cược về
chênh lệch giá trong các giao dịch ngoại hối, chứng khoán hay hàng hoá” (spread
betting).