tư. Điều này dẫn đến một phương thức định giá thị trường (market valuation) mới
mang tên Tobin’s Q, đặt theo tên nhà kinh tế James Tobin. Chỉ số này tính bằng tỷ lệ
giữa giá trị thị trường của một công ty so với chi phí thay thế của công ty đó, trong
trường hợp muốn đầu tư mới hoàn toàn. Người ta cũng dùng chỉ số này để đánh giá
toàn bộ thị trường, và chỉ số Q của thị trường chứng khoán Mỹ đạt tới mức 2 vào
đầu năm 2000, so với mức thông thường trước đó chỉ vào khoảng 0,7.
Người ta có thể nghi ngờ về cách thức đo lường chỉ số Q nói trên, vì điều này phụ
thuộc vào việc có được những dữ liệu tốt về chi phí hiện tại của những khoản đầu tư
quá khứ, một vấn đề khá rắc rối về mặt kế toán. Ngoài ra, những người ủng hộ các
phương pháp định giá cao lập luận rằng cách tính này đã bỏ qua những tài sản vô
hình như thương hiệu hay nguồn nhân lực của một công ty. Nói gì đi nữa, một khi
chỉ số này tăng cao trong thập niên 1990, rõ ràng có khả năng là thị trường đã bị
định giá quá mức.
Để minh hoạ về chỉ số Q, giả định một công ty tên WhizzPizza có hệ thống 100
nhà hàng pizza và 2 triệu USD tiền mặt trong quỹ. Công ty được niêm yết trên thị
trường chứng khoán, với giá trị thị trường (giá trị vốn hoá) là 102 triệu USD, tức là 1
nhà hàng được định giá trung bình khoảng 1 triệu USD (102 triệu USD = 1 triệu
USD x 100 nhà hàng; cộng thêm 2 triệu USD tiền mặt). Nếu WhizzPizza tính toán
rằng chi phí mở mới 1 nhà hàng chỉ là 500.000USD, họ nên mau chóng dùng 2 triệu
USD tiền mặt để mở thêm 4 nhà hàng nữa, khi đó giá trị thị trường của công ty sẽ là
104 triệu USD (104 nhà hàng x 1 triệu USD/nhà hàng). Trong ví dụ này, chỉ số
Tobin’s Q là 2. Tuy nhiên, nếu chi phí mở thêm 1 nhà hàng là 2 triệu USD (tức chỉ
số Q chỉ còn 0,5), tốt hơn là công ty nên trả lại 2 triệu USD tiền mặt này cho các cổ
đông, vì đầu tư mở mới 1 nhà hàng nữa sẽ làm giảm giá trị thị trường của công ty chỉ
còn 101 triệu USD (khi đó họ có 101 nhà hàng nhưng số tiền mặt 2 triệu USD đã
không còn nữa!).
Thật dễ dàng nhận ra cách thức mà phản ứng của các doanh nghiệp trước những
tín hiệu từ giá tài sản có thể củng cố chu kỳ kinh tế: họ tăng đầu tư khi nền kinh tế và
thị trường chứng khoán nóng lên, hay giảm đầu tư khi nền kinh tế đi xuống. Khi chỉ
số Q là 2, WhizzPizza có đủ động lực để vay mượn càng nhiều càng tốt, cũng như
tăng vốn để mở rộng hoạt động. Nhưng cuối cùng, do có quá nhiều nhà hàng pizza
mới mở ra (bởi cả WhizzPizza và các đối thủ của nó), lợi nhuận thu được trên mỗi
nhà hàng sẽ đi xuống. Khi giá trị của 1 nhà hàng rơi xuống còn tương đương với chi
phí thành lập, tức là chỉ số Q bằng 1, đầu tư sẽ giảm xuống vì thị trường pizza đơn
giản là đã bão hòa.