CHI PHÍ CỦA VIỆC SỢ NGƯỜI LẠ
(SJD).
Bruce Pardo và Atif Irfan có điểm gì chung?
Trong trường hợp bạn vẫn còn xa lạ với những cái tên này, thì hãy để tôi
diễn đạt lại thế này:
Người đàn ông da trắng ăn mặc như ông già Noel và giết vợ cũ cùng gia
đình chị này (rồi sau đó tự sát) có điểm gì chung với anh chàng người Hồi
giáo bị tống ra khỏi một chuyến bay của hãng AirTran vì bị tình nghi là
khủng bố?
Câu trả lời là cả hai người đều có những ý định bị hiểu sai một cách trầm
trọng. Người mà đáng lẽ những người biết anh ta phải thấy khiếp sợ lại
không làm ai sợ còn người làm những người chẳng thân quen gì sợ khiếp
vía hóa ra lại không đáng sợ chút nào.
Như chúng ta sẽ thấy, đây là một mô-típ diễn ra khá phổ biến. Tuy nhiên,
trước khi tiếp tục, hãy để tôi giải thích chuyện trước đó một chút.
Pardo là người thường xuyên đi lễ nhà thờ, và chẳng ai có thể chỉ mặt
anh ta mà nói rằng đó là một kẻ giết người điên loạn. “Anh ta là người hoàn
toàn khác hẳn với những gì mà anh nghe hay nhìn thấy trên tin tức về
những việc mà anh ta đã làm,” một người bạn của gia đình nói. “Tôi đã bị
sốc, thực sự rất sốc. Tôi không thể tin được đây lại là cùng một người.”
Irfan, sinh ra ở Detroit, là một luật sư xử lý các vụ việc liên quan đến
thuế, sống cùng gia đình ở Alexandria, Virginia. Anh cùng một số người
thân bay từ Washington, D.C. tới Florida để dự một khóa tu nghiệp. Anh và
anh trai được cho là đã nói chuyện về việc ghế nào là ghế “an toàn nhất”
trên chuyến bay. “Những người khác nghe thấy và hiểu nhầm họ,” một phát
ngôn viên của hãng AirTran phát biểu trên tờ Washington Post. “Chẳng
may những người này lại theo đức tin và có ngoại hình của người Hồi giáo.
Mọi chuyện vượt ra khỏi tầm kiểm soát và ai cũng hành động cảnh giác.”