GIAN LẬN ĐỂ TRỞ NÊN NỔI BẬT
(SJD).
Có phải chúng tôi ngờ vực thái quá không?
Tôi không nghĩ vậy, nhưng vài người khác thì có. Chúng tôi thường nghe
nhiều độc giả kêu ca chuyện chúng tôi kêu gọi quá nhiều sự chú ý đến trò
lừa bịp, gian dối giữa các tay vật sumo, giáo viên, người khai thuế và
những người hẹn hò trực tuyến thật chẳng hay ho gì. Tôi có thể phản bác lại
và nói rằng: “Này, chúng tôi cũng kêu gọi sự chú ý đến những người không
lừa dối, như những nhân viên văn phòng bỏ tiền vào ‘hộp trung thực’ để trả
cho những chiếc bánh vòng mà họ đã ăn đấy chứ.”
Vấn đề ở đây không phải là ta có thể chia mọi người ra thành người xấu -
người tốt, người gian lận - người không gian lận. Vấn đề ở đây là hành vi
của con người được quyết định bởi cách thức điều chỉnh cho phù hợp
những động cơ của một kịch bản cụ thể.
Vì vậy, thật thú vị khi đọc bài viết của Farhad Manjoo trên tờ Salon về
một cuộc thi do FishbowlDC tổ chức nhằm quyết định đâu là hai nhân vật
nổi bật nhất trong giới truyền thông ở Washington. Mặc dù đồng ý rằng
những người thắng cuộc quả thật là một bộ đôi đẹp, song Manjoo cho rằng
toàn bộ cuộc thi chỉ là một trò sắp đặt:
[Những người chiến thắng] Capps và Andrews thừa nhận rằng họ
chiến thắng chỉ vì những người bạn của họ trên mạng − dù họ không
trực tiếp khích lệ, theo lời cả hai − đã tạo các phần mềm “bot
” bầu
chọn hàng nghìn lần cho từng người bọn họ. Những bot này được đưa
lên Unfogged, một trang thảo luận và blog chuyện nhảm nhí hài hước
rất được dân D.C. chú ý, trong vòng một ngày khi cuộc bầu chọn mở
ra. Nếu bạn tải và chạy phần mềm này, máy của bạn sẽ bắt đầu bỏ
phiếu cho Capps và Andrews nhanh hơn cả công cụ Diebold bỏ phiếu
cho George W. Bush.