Nhưng theo cách của riêng mình, mỗi người cung cấp một cái nhìn đi sâu
đáng quý đối với địa điểm thực sự bí ẩn đó. Ngoài ra, cũng cần phải làm rõ
một số điểm:
Cuốn sách Pierres Gravées Du Languedoc của Eugène Stublein lần đầu
tiên được nhắc đến trong chương 4 là một phần của truyền tụng dân gian ở
Rennes, mặc dù chưa từng có ai nhìn thấy nó cả. Đúng như đã nói ở
chương 14, tên sách có trong danh mục của Thư viện Quốc gia Pháp tại
Paris, nhưng quyển sách đã biến mất.
Tấm bia mộ gốc của ngôi mộ Marie D’Hautpoul De Blanchefort không
còn nữa, rất có thể là đã bị chính Saunière phá hủy. Nhưng có một bản vẽ
được cho là đã được sao lại vào ngày 25 tháng Sáu năm 1905, bởi một hội
khoa học đến thăm, và được xuất bản vào năm 1906. Nhưng có ít nhất là
hai phiên bản khác nhau của tấm bia mộ đó còn tồn tại, nên rất khó biết
được chính xác bản gốc.
Tất cả các chi tiết liên quan đến gia đình D'Hautpoul và mối liên hệ của
họ với các Hiệp sĩ Đền thờ đều có thật. Như đã được thuật lại trong chương
20, tu viện trưởng Bigou là linh mục nghe xưng tội của Marie và quả thực
là đã cho người khắc bia mộ cho bà, mười năm sau khi bà mất. Có vẻ như
là ông đã rời Rennes vào năm 1793 và không bao giờ quay lại. Việc ông có
để lại sau mình các thông điệp bí mật hay không thì không thể biết chắc
(điều này cũng thuộc vào kho tàng truyền tụng dân gian của Rennes),
nhưng khả năng đó đủ để tạo ra một câu chuyện li kỳ.
Vụ giết tu viện trưởng Antoine Gélis đã xảy ra, và theo cách thức được
miêu tả trong chương 26. Gélis quả là có liên hệ với Saunière, và một số
người cho rằng có thể Saunière có dính dáng đến cái chết của ông. Nhưng
không hề có bằng chứng nào cho việc đó, và cho đến nay vụ án vẫn còn bỏ
ngỏ.
Không ai biết liệu có hay không một hầm mộ ở dưới nhà thờ Rennes.
Như đã được nói trong các chương 32 và 39, chính quyền địa phương sẽ
không cho phép bất kỳ ai tìm kiếm. Nhưng các lãnh chúa của Rennes hẳn
đã được chôn xuống đâu đó và, cho đến nay, địa điểm đó vẫn chưa được
tìm ra. Các dẫn chiếu đến hầm mộ được cho là có thể tìm được trong sổ