tranh nhau không ai chịu ai. "Vậy thì chúng ta đều lấy". Họ nói thế và cắt
người đàn bà ra từng mảnh. [7]
Truyện của người Ấn-độ và người Ả-rập còn có kết cục lạ hơn. Sau đây là
truyện của Ả-rập trong Nghìn lẻ một đêm:
Có ba hoàng tử muốn lấy công chúa Nu-ru-ni-har con đỡ đầu của vua cha.
Vua cha quyết định sẽ gả cho người nào đi du lịch về mang một vật lạ và
quý nhất. Trong lúc họ chưa về thì công chúa bị đau nặng sắp chết. Hoàng
tử thứ nhất có cặp kính thần phát hiện ra công chúa chết. Hoàng tử thứ hai
có tấm thảm bay mang cả ba về đến tận buồng công chúa. Đến lượt hoàng
tử thứ ba cho nàng ngửi quả táo thần nên sống lại. Vua bối rối không biết
giải quyết thế nào, mới bảo ba người bắn cung, ai bắn xa hơn thì được lấy
công chúa. Mũi tên của hoàng tử thứ ba xa hơn nhưng lại không tìm ra dấu,
nên công chúa về tay hoàng tử thứ hai.
Phần sau của truyện chuyển sang một hướng khác.Hoàng tử thứ ba Át-mét
do đi tìm mũi tên của mình mà gặp nàng tiên Pa-ri Ba-nu. Hai người đưa
nhau về cung và kết làm vợ chồng, nhưng hoàng tử thỉnh thoảng được vợ
cho về thăm vua cha. Nghe mồm bọn nịnh thần, vua cha bắt chàng phải đi
tìm: lần đầu, một cái màn có thể che được khắp đại đội quân mã của nhà
vua nhưng lại có thể cầm gọn trong bàn tay; lần thứ hai, một thứ nước thần
ở suối sư tử có thể chữa mọi bệnh; lần thứ ba, một con người lùn dị dạng
cầm một cây gậy sắt nặng năm trăm cân. Nhưng lần cuối cùng, khi đưa
người lùn dị dạng về triều, với cây gậy sắt, người lùn đã giết chết bọn nịnh
thần và đưa Át-mét lên làm vua nước Ấn-độ. [8]
Phần nào giống với truyện của Ả-rập là truyện Triều-tiên: Có ba chàng yêu
một cô gái. Cô gái hỏi ý kiến một đạo sĩ ở Hắc-long-sơn, cụ trao cho ba
đồng tiền bảo cho mỗi anh một đồng, ai mua được vật gì quý hơn thì lấy.