Anh chàng thứ nhất mua được chiếc gương thần phát hiện ra cô gái ốm sắp
chết. Anh thứ hai mua được con lạc đà kỳ diệu, nhờ nó mà cả ba cùng về
tới nơi trong nháy mắt. Với quả táo thần của người thứ ba, cô gái khỏi bệnh
ngay lập tức. Cô bèn bảo ba anh chàng tranh công tự suy nghĩ xem ai hơn,
nhưng ba ngày ba đêm vẫn chưa xong. Trước khi phân xử, cô gái dặn một
cái chuông cổ là hễ cô phân xử đúng thì nó sẽ ngân lên. Cô phán như sau: -
"Tôi sẽ lấy chàng thứ ba vì chàng mua táo không vì mình, mà vì người
khác. Vả chăng, quả táo đã bị ăn mất, còn hai vật kia của hai người vẫn còn
nguyên vẹn". Phán xong, chuông cổ ngân lên. Thế là cô lấy anh chàng thứ
ba làm chồng. [9]
Thuộc loại truyện phân xử này còn có một loạt truyện khác, cũng hơi gần
gũi về kết cấu và chủ đề. Xin kể dưới đây một số.
Ba truyện của người Khơ-me (Khrmer):
1. Nhà sư hoàn tục và ba cô gái: một nhà sư vừa hoàn tục để kiếm vợ. Một
hôm tắm ở sông bỗng bờ sông sụt lở đẩy anh ra xa. Không biết bơi, anh
chới với kêu cứu. Có ba cô đi lấy nước gần đấy. Cô thứ nhất đẩy ra một
khúc gỗ cho anh ôm. Nhưng anh vẫn chới với không vào được. Thấy vậy
cô thứ hai đưa ra một sào tre cho anh nắm để kéo vào. Thấy anh trần
truồng, cô thứ ba cởi ngay tấm chăn ở người cho anh khoác. Thấy anh đẹp
trai, cả ba cô tranh công để được lấy làm chồng. Không ai chịu ai nên đưa
lên quan. Hai cô đầu đều nói: - "Nếu không có tôi thì chắc tính mạng anh
đâu còn". Cô thứ ba nghe quan hỏi, đáp: - "Tôi không cứu tính mạng anh
ấy, vì thấy anh ấy lõa lồ nên tôi quẳng chăn cho để che". Sau một hồi suy
nghĩ, quan phán: - "Hai cô đầu làm bổn phận một cách tự hào, hành động
ấy rất đẹp, đáng được coi như mẹ chàng trai. Còn cô thứ ba thấy người
không quần áo nên cởi chăn cho. Đó là sự e lệ, là tình cảm nam nữ. Hành
động của cô nảy sinh mối quan hệ giữa hai người. Vậy cô đáng được coi là
người yêu của chàng trai". [10]