III. QUAN HỆ GIỮA BÓI TOÁN VỚI
ĐOÁN MỘNG
Bói toán là gì?
Thời Trung Hoa cổ đại từ đời Xuân Thu hoặc trước đó, vào thế kỷ thứ X
trước Công nguyên, bói toán đã xuất hiện khá rộng rãi, người đương thời
đã dùng những thẻ xương trên có khắc thứ chữ mà người ta gọi là “Bốc
Từ” để bói. Trước khi lao động, nhất là đi săn thú, người cầm đầu toán
người đi săn bốc các thẻ xương, nếu bốc được thẻ trên có khắc chữ được
quy định là tốt, thì cả toán phấn khởi ra đi, tin rằng lúc trở về sẽ săn được
nhiều thú. Còn nếu người cầm đầu toán thợ săn bốc được quẻ xấu thì họ ở
nhà. Từ đó có nghề bói toán. Lúc đầu bói toán chỉ là cầu may, tránh rủi ro,
dần phát triển thành thuật bói toán.
Trong văn tự cổ có viết: “Bói toán là từ hiện tượng để đoán họa và
phúc.” Như vậy, hiện tượng và dự đoán liên hệ chặt chẽ với nhau. Một sự
việc, một hiện tượng nào đó nảy sinh do ngẫu nhiên, người ta cho rằng đó
là do thần linh là lực lượng siêu nhiên sinh ra, phải có phương pháp thỉnh
cầu quỷ thần che chở, để quỷ thần báo trước cái xấu mà tránh, giúp đỡ gặp
nhiều điều may; chỉ cần thành tâm, ắt quỷ thần sẽ động lòng phù trợ.
Thời xưa, người xưa suy nghĩ đơn giản là “có thờ có thiêng, có kiêng có
lành”, rồi tâm niệm “cầu được ước thấy”, không suy đoán, lý giải, phân tích
sự việc.
Sau này, do muốn biết trước các điểm báo nên phải bói để đoán, và bói
toán với đoán mộng đều vì mục đích biết trước sự việc.
Người phương Tây thường bói bằng cách gieo các loại hạt hoặc các
mảnh gỗ nhỏ. Ngoài ra, người ta quy định thành những con số tốt xấu, ví
dụ số 13 là xấu; số 2, số 8 hoặc bội số của chúng là những số tốt.