tục: "Nói với ngài thế nào nhỉ, tôi sẽ vào bếp trước và đổ dầu ô liu
ra ... Ngài rửa cá và gặp lại tôi trong bếp nhé.”
Tôi đoán rằng bạn chưa bao giờ gặp phải trải nghiệm này, và tôi
cũng đồ rằng bạn có thể sẽ không thưởng thức món đó nếu sự việc
diễn ra như trên. Sau phút ngạc nhiên ban đầu (Người đầu bếp
thực sự muốn mình theo sau cô ta vào bếp và giúp chuẩn bị món
ăn?), bạn có thể nhận thấy điều này thật kỳ quặc. Bạn biết rằng
thức ăn trong nhà hàng đắt hơn nhiều so với ở cửa hàng tạp hóa - vì
ở
nhà hàng bạn đang trả thêm một khoản tiền lớn cho bầu không
khí cùng dịch vụ nơi đây. Nếu muốn tự mình làm món cơm Ý cá
hồi, bạn cũng sẽ làm được. Bạn không tới nhà hàng để học cách làm
một món ăn mới; bạn tới đó để thư giãn và được phục vụ.
Bạn có thể rút ra được bài học gì từ viễn cảnh này nếu muốn bắt
đầu một hoạt động kinh doanh nhỏ và phác thảo con đường hướng tới
tự do? Vấn đề ở đây chính là: Nhiều hoạt động kinh doanh được
dựng theo ý tưởng rằng khách hàng nên vào bếp và làm món ăn
riêng của họ. Thay vì trao cho mọi người những gì họ thực sự muốn,
các chủ doanh nghiệp có ý tưởng rằng tốt hơn hãy lôi kéo khách
hàng vào sau cánh gà... bởi vì đó là điều họ nghĩ khách hàng muốn.
Đây chính là thiếu sót của câu ngạn ngữ: "Cho một người một con
cá và anh ta sẽ có ăn trong một ngày. Dạy một người câu cá và anh ta
sẽ có ăn cả đời." Điều này có thể là ý tưởng hay cho những tay câu cá
đói ăn, nhưng nó lại luôn là ý tưởng kinh khủng trong kinh doanh.
Hầu hết khách hàng không muốn học cách câu cá. Họ làm việc cả
tuần và tới nhà hàng với mong muốn người khác có thể phục vụ họ.
Chúng ta không cần biết chi tiết điều gì đang diễn ra trong bếp;
trên thực tế, chúng ta thậm chí còn không muốn biết các chi tiết
đó.