một, hai chiếc máy bay cảm tử bị bắn rơi. Có khi toàn đội bị bắn rơi trước
mắt tao. Thật bi thảm! Nhắc đến máy bay cảm tử, người ta thường mường
tượng ra cảnh chúng hùng hổ đâm vào tàu địch hy sinh. Nhưng thực tế, hầu
hết chúng đều bị bắn rơi trên mặt biển từ xa phía trước. Tại Mariana, quân
Mỹ thích thú bắn hạ các máy bay tấn công của Nhật Bản, còn cười cợt gọi
là Cuộc bắn gà tây tại Mariana. Việc bắn các máy bay cảm tử trong trận
Okinawa chắc còn dễ hơn thế.
Số thằng có thể đột kích vào Hạm đội cơ động địch vô cùng hiếm hoi.
Dù bị pháo đối không tiêu diệt thì đến được đó cũng mãn nguyện rồi.
Sau khi máy bay cảm tử bị bắn rơi, máy bay yểm trợ có thể tự do
không chiến, nhưng cũng chẳng rảnh rang gì bởi vô số địch bao vây. Hơn
nữa, đối thủ lại là Grumman F6F và Skorsky có tính năng vượt trội hơn hẳn
Reisen. Nếu phe ta cũng đồng ngang ngửa với địch thì còn có thể chiến
đấu, nhưng đây lại là thiểu số chống đa số thì ngay từ đầu đã không có cơ
hội thắng.
Dù có tiêu diệt được một chiến cơ địch thì ngay khoảnh khắc đó đã có
tên địch khác bám phía sau. Hơn nữa, dù ta bắn đôi chút đạn chúng cũng
chẳng hề hấn gì, ngược lại, bọn ta dù chỉ bị bắn một viên thôi cũng đủ xong
đời rồi.
Kỹ thuật điều khiển của phi công địch đã hơn hẳn thời Rabaul hai năm
về trước. Vì thế, cũng có nhiều máy bay chiến đấu yểm trợ bị bắn hạ, có
đôi khi toàn đội yểm trợ đều không trở về được.
Vả lại, vào giai đoạn đó, nhà máy trong nội địa bị tàn phá vì các đợt
không kích, không thể chế tạo ra các máy bay hoàn thiện. Thực tế, mỗi
ngày có khá nhiều máy bay cảm tử xuất kích rồi lại quay về vì động cơ gặp
sự cố. Số máy bay hạ cánh khẩn cấp xuống Kikaijima cũng không ít, những
thằng xấu số thì trước đó đã rơi xuống biển.
Trong lúc làm nhiệm vụ yểm trợ máy bay cảm tử, tao cũng không
quên chuyện Miyabe. Ban đêm, tao nằm dài trên bờ đê gần đường băng,
ngắm nhìn bầu trời sao, đôi khi lại nghĩ về Miyabe. Lúc này, chắc hẳn hắn
cũng đang ngắm những vì sao ấy. Tao thầm nghĩ trong lòng, “Đừng chết
đó, Miyabe!”