“xét nghiệm lại” tất cả những gì mình đã làm, đã suy nghĩ, đã đối
diện… để thay đổi. Bởi vì nếu mình cứ tiếp tục làm những gì mình
đã làm, thì mình sẽ tiếp tục thu hoạch những kết quả gì đã xảy
đến.
Không phải tự tin, mà phải là thay đổi để vượt bão. Can đảm để
tiếp tục chịu đựng có thể đồng nghĩa với ngu xuẩn, bởi vì cái can
đảm thực sự cần thiết là can đảm để thay đổi.
Kinh tế vĩ mô toàn cầu sẽ suy thoái trong vài năm tới mặc cho
những gói kích cầu của các chính phủ. Căn bệnh chính của Âu Mỹ,
Trung Quốc và các quốc gia đang suy yếu là nợ công, nợ tư rồi in
tiền. Kích cầu để thêm nợ, thêm cung tiền… cũng giống như đưa
thêm rượu cho thằng say hay đưa thêm thuốc cho con nghiện. Nếu
các nhà kinh tế này làm bác sĩ trị bệnh thì chúng ta phải lập bao
nhiêu là bệnh viện để đáp ứng nhu cầu?
Trong khi đó, kinh tế Việt Nam cũng sẽ phải đối diện với các
vấn đề như trên. Tại các xã hội đã phát triển hơn, họ có nội lực
mạnh và cơ chế thị trường để giảm thiểu ảnh hưởng trên đời sống
người dân, còn chúng ta thì chỉ có khẩu hiệu và nghị quyết. Do đó,
nếu các doanh nghiệp chỉ có “tự tin” để vượt bão thì chúng ta cần
nhiều phép lạ hay trò ảo thuật.
Dĩ nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng lĩnh búa rìu của suy
thoái. Tôi luôn nói là điều kiện vĩ mô chỉ có ảnh hưởng đến những
doanh nghiệp không có sức mạnh nội tại để cạnh tranh. Với những
công ty có sản phẩm hay công nghệ đặc thù, có quản lý bài bản biết
dự phòng rủi ro, thị phần vững chắc và không dùng đòn bẩy tài
chính xô bồ, thì suy thoái là một cơ hội ngàn vàng để tăng trưởng và
tạo thế. Đây là thời điểm để mua tài sản hay M&A với giá rẻ,
thu hút người tài, tìm thị trường mới, tăng gia phát triển công nghệ
(R&D) và huấn luyện đào tạo thêm kỹ năng cho nhân viên.