Nhưng nó cũng là cơ hội tốt cho các công ty đang gặp rắc rối
biết rõ yếu điểm của mình và tìm giải pháp khắc phục hay tạo ra
một bàn cờ mới trên một sân chơi mới. Nhìn lại sản phẩm, thị trường,
công nghệ, quản lý và tài chính để thay đổi phương thức hay mô hình
kinh doanh. Năm 1985, Steve Jobs bị đẩy khỏi công ty Apple do ông
sáng lập. Ông lập nên NeXT, một công ty vi tính tương tự để cạnh
tranh với Apple. Thất bại, ông gần bị phá sản. Nhưng sau khi nhìn
lại các tài sản của NeXT, ông thấy một ứng dụng phần mềm có thể
gây đột phá trong ngành sản xuất phim hoạt hình. Pixar đã giúp ông
vươn lại lên đỉnh cao, tạo danh tiếng mới và năm 1996, ông trở lại
Apple với tư cách một hiệp sĩ thắng thế.
Cái tệ hại nhất trong mỗi suy thoái là sự xuất hiện của những xác
chết biết đi (zombie). Đây là những doanh nghiệp đáng lẽ phải bị
đào thải bởi thị trường thì qua một quan hệ chính trị hay một thế
liên hoàn quan trọng trong nền kinh tế đã nhận được những tài trợ
chính thức và không chính thức để tiếp tục tồn tại. Chúng không
còn năng động hay sáng tạo và cũng không thể thay đổi hay thích ứng
với môi trường mới. Những zombies này miệt mài trên giường bệnh
và gây tai hại cho nền kinh tế chung vì chúng chiếm đoạt và sử
dụng rất nhiều tài nguyên, tiền bạc, tài năng… đáng lẽ phải được
giải phóng cho các đơn vị kinh tế khác hiệu quả hơn.
Khi chính phủ tiếp tục nuôi dưỡng những zombies vì bị chi phối
bởi quyền lực của các nhóm lợi ích, thì nền kinh tế sẽ đi vào một
suy thoái chậm chạp nhưng dài hạn. Liên Xô, Trung Quốc đã bị
zombies hành hạ gần 50 năm, Nhật đang bị trì trệ gần 2 thập kỷ,
Âu Mỹ đang bước vào thế giới của zombies sau khi đổ tiền dân cứu
ngân hàng. Đây là một lựa chọn để kéo dài sự đau đớn cho đa số
người dân, giống như cho bệnh nhân uống thuốc giảm đau thay vì
phải đưa lên bàn mổ.