nghiệp nhưng các yếu tố để thành công cho thấy khá thuận lợi với
các lợi thế kinh tế của chúng ta.
Trước hết, ngành IT cần một hệ thống hạ tầng như băng tần
cáp quang hay vệ tinh rộng lớn, nhưng hạ tầng cho ngành này không
tốn kém như một hệ thống xa lộ, cảng biển, đường sắt… khắp
nước. Đầu tư vào phần mềm cho một video game như Grand Theft
Auto IV tốn khoảng 20 triệu đô la và mất 8 tháng, nhưng đem lại
một doanh thu hơn 500 triệu đô la trong tuần lễ đầu tiên. Dĩ nhiên,
không phải game nào cũng thành công như vậy. Trong khi đó, mẫu xe
ô tô bán chạy nhất như Toyota Camry cần 5 năm để thiết kế,
đầu tư khoảng 2 tỷ đô la khắp thế giới, một thương hiệu hàng đầu
quốc tế, nhưng lợi nhuận chỉ xấp xỉ với Grand Theft Auto mỗi
năm.
Tiếp đến, ngành IT, đặc biệt phân khúc ứng dụng phần mềm,
cần trí tuệ, sức sáng tạo và sự đam mê hơn là tư bản, kinh nghiệm,
hay quan hệ chính trị và thương mại. Ngay cả trí tuệ, những khóa học
kỹ thuật truyền dạy từ các trường đại học cũng không quan trọng
hơn kỹ năng tự khám phá. Bill Gates có lần mỉa mai là Steve Jobs
thậm chí không biết viết codes để lập chương trình, nhưng Gates
quên rằng chính ông ta và Mark Zuckerberg (Facebook) đã bỏ học
nửa chừng vì giáo dục từ chương và bằng cấp không giúp gì trong
những đột phá của IT.
Đây cũng là lợi điểm quan trọng của Việt Nam khi so sánh với 9
quốc gia khác thuộc ASEAN. Không nước nào có 3 triệu sinh viên
đại học hay 4 triệu Việt kiều khắp thế giới. Tính ham học của
người Việt và những khôn khéo rèn luyện từ bao năm khó khăn là
những chất xám tạo mũi nhọn. Một thí dụ có thể hơi phiến diện và
chủ quan là tại thánh địa của IT, thung lũng Silicon ở California,
người Việt chỉ đứng sau người Hoa và người Ấn (trong cộng đồng
dân gốc Á Châu) về những thành tựu trong ngành IT thế giới.