Sau cùng, các doanh nhân Việt Nam và thế giới thường than
phiền về chi phí “phong bì” trong các hoạt động. Theo một tư liệu
tôi đọc được từ Jetro (Nhật), họ ước tính là phí tổn này ở Việt Nam
cao hơn Thái Lan hay Malaysia chừng 6% và Indonesia chừng 3%.
Một phát triển thiên về IT sẽ giảm thiểu tệ nạn này. IT không cần
nhiều đất nên nạn trưng dụng đất nông dân làm đất công nghiệp
sẽ giảm mạnh. Doanh nghiệp IT cũng không phải vận chuyển hàng
hóa qua các trạm kiểm hay hải quan; và cũng không cần đến các
quota hay giấy phép xuất nhập khẩu và thanh tra kiểm phẩm để
“góp phần” vào tệ nạn này.
Quan trọng nhất là nếu kiếm được tiền từ IT, chính phủ và
người dân có thể bớt phá rừng, bán khoáng sản hay đem rác công
nghệ về chôn cất giùm cho các láng giềng hữu hảo.
Tuy nhiên, tôi cũng muốn cảnh báo về ba nhược điểm đáng kể
của cơ hội IT trong nền kinh tế Việt Nam. Thứ nhất, IT chỉ có thể
phát triển và sáng tạo được trong một tư duy và văn hóa tự do. Điều
này có thể là một dị ứng mà chính phủ và các thế lực bảo thủ của xã
hội không thể “sống chung hòa bình” được. Thứ hai, chính phủ và
quốc hội không thể ban hành một nghị quyết là IT phải tăng trưởng
theo tốc độ 15% hay gì đó trong 10 năm tới; hay giao cho các doanh
nghiệp nhà nước quản lý điều hành. Thứ ba, sự tôn trọng bản quyền
và tài sản trí tuệ là yếu tố mấu chốt của động lực. Yêu nước là một
chuyện; nhưng ít người như ông Alan Phan lại đem sản phẩm của
mình tặng không cho thiên hạ (xin thú nhận là tôi có bán cũng chẳng
ai mua).
Vượt qua ba rào cản này là tạo một môi trường thuận lợi để nền
“kinh tế sáng tạo” trở nên hiện thực và đột phá. Tương tự IT, những
ngành nghề có thể tạo doanh thu và lợi nhuận đáng kể cho nền
kinh tế là sinh hóa học (biotech), y dược Đông và Tây, năng lượng
xanh, phim ảnh và truyền thông, v.v…