Cho nên, các hoàng tử phải đầu tắt mặt tối đi làm kiếm sống,
các công chúa vất vả nói nhiều đâm ra mập ú, con cái thì nuôi
không xuể, vợ chồng gây gổ vì đủ mọi chuyện từ tiền bạc tới bạn bè,
từ nhậu nhẹt đến nợ nần. Không ai còn thì giờ để suy ngẫm về các
chuyện cổ tích ngày xưa hay các biểu ngữ giăng ngập đường…
Các anh hùng sau chiến tranh hay cách mạng cũng thường bị
thất sủng vì tạm thời lại lãng quên. Có người phải đem huân chương
đi cầm bán để có chút tiền; người may mắn hơn, thân thể đầu óc
còn nguyên vẹn thì cố tìm việc làm, cam phận sống đời con sâu, cái
kiến ngoan. Tôi đã gặp đủ mọi hình ảnh này từ Mỹ (cựu chiến binh
từ Afghanistan, Iraq) đến Âu (các cựu chiến binh của Kosovo,
Chechen) đến Á Phi. Nhiều tâm trạng và sự buồn rầu nhưng vẫn
tin là những hy sinh cao quý của mình đã xây dựng một tương lai tốt
đẹp hơn cho đất nước.
Các lãnh tụ và đẳng cấp cầm quyền ở mọi xã hội được bao
quanh bởi những tư vấn rất thông minh và mưu lược (ít nhất cũng
hơn xa tầng lớp nhân dân). Khi cần, họ có bàn tay thép bọc nhung
luôn ẩn mình sau những lý tưởng cao cả tuyệt vời, những thêu dệt
thần thánh, những triết thuyết hợp thời trang… nhưng mục đích
chính là để củng cố quyền lực và tài sản cho mình, gia đình mình,
phe nhóm mình hay các bộ hạ trung thành. Ở các nước Âu - Mỹ, trò
bịp bợm nói láo để kiếm phiếu khá phổ thông; ở các nước lạc hậu
hơn, các chính trị gia - dù cố tình hay vô tình đều hành động theo
câu nói của Mao Trạch Đông: “Quyền lực thoát ra từ nòng súng”.
Vì thế, nhiều khi tôi lại thích những xã hội thời ăn lông ở lỗ: anh
chị nào săn mồi giỏi hay có thân thể lực lưỡng thường tự phong mình
làm lãnh tụ. Ngay cả lịch sử gần đây, từ thế kỷ 5 đến 15 (Dark
Age), khi các quân đội của “bọn man rợ” chiến thắng đế chế La
Mã. Ít nhất, họ cũng thể hiện một tinh thần “minh bạch và trung
thực” đúng như sự đòi hỏi của các nhà đầu tư.