Về tiền bạc, yếu tố chính mà mọi người dùng để tôn vinh các
đại gia, thì bạn có nhiều như một đại gia với tuyên bố là “tiền của
tôi ăn đến ba hay sáu đời cũng không hết”? Có lẽ không nhiều như
vậy, nhưng phải đủ để một cơn bão tài chính lớn, một quyết định sai
lầm của một nhân viên, hay một thay đổi xã hội không thể làm tài
sản tạo dựng bao năm qua biến mất. Tôi thường nói đùa khi thiên
hạ hỏi tôi giàu như thế nào rằng “Tôi chỉ cần sống với một siêu
mẫu quốc tế trong hai năm là phải quay về Mỹ xin lĩnh trợ cấp
‘an sinh xã hội’ của chính phủ suốt cuộc đời còn lại.”
Nhưng nếu bạn chưa hội đủ năm yếu tố trên về “thành đạt”,
thì vẫn còn chút hy vọng về yếu tố sau cùng: cái con người bên
trong. Trong con người “không thành đạt” của tôi, một điều luôn
làm tôi hạnh phúc: tâm linh bình an và giác ngộ. Tôi học cách tha thứ
cho mình, cho người; tôi không ghen tị, giận hờn với ai hay với hoàn
cảnh nào; tôi biết ơn và biết yêu thương, trân trọng từng niềm vui
nho nhỏ đến với đời sống mỗi ngày.
Hạnh phúc của người thành đạt
Tôi luôn hưng phấn mỗi khi đi ngủ nếu kết quả công việc của
ngày hôm nay vượt qua kết quả của ngày hôm trước. Nó xác định tôi
đang tiến bộ trên hành trình phiêu lưu của cuộc đời và đây là động
lực thúc đẩy tôi mạnh bước. Cái đích thành đạt có lẽ không bao giờ
đến, nhưng có phải các triết gia đã khuyên ta mục tiêu “không phải
là điểm đến mà là cuộc lữ hành” (the voyage, not the destination)?
Dĩ nhiên đó là cá nhân tôi. Còn những doanh nhân thành đạt khác
thì sao? Tôi nghĩ chỉ có ông ta và cô nhân tình mà ông hay tâm sự
cùng là biết rõ. Cái mác thành đạt không phải mất tiền để mua, và
người sử dụng cũng không phải đóng thuế, nên sự lạm phát danh từ