“Buổi tối đừng đi đường, năm nay nơi này không yên ổn, lúc thì quân này
đánh đến lúc thì quân kia đánh đến, hai người tốt hơn hết là nghỉ lại thị trấn
một đêm, sáng sớm mai lên đường”.
Nghiêm Thế Xương hỏi: “Trong thành không phải có an dân đoàn sao?”.
Ông chủ nói: “Nghe nói trên núi có một đồn trú quân của Dĩnh quân, cũng
chỉ nghe nói như vậy, trong núi lớn như thế ai biết được quân binh nằm ở
đâu”. Nghiêm Thế Xương trong lòng lo lắng, ôm bọc bánh ngô gói bằng lá
cọ, bước thấp bước cao đi về bên cạnh Tĩnh Uyển, khẽ tiếng thương lượng
với cô chốc lát, cuối cùng cảm thấy ở lại trong thị trấn càng nguy hiểm, họ
vẫn quyết định đi thâu đêm.
Ai ngờ vào ban đêm mưa càng to, họ đi mấy cây số mà mưa như trút
nước, ào ào từ trên trời đổ xuống, khiến người ta gần như không mở nổi
mắt. Xung quanh yên lặng như tờ, ngay cả tiếng côn trùng cũng bặt thinh,
chỉ có tiếng mưa ào ào, bốn bề đen như mực, đen đến mức đặc quách như
mực tàu. Tĩnh Uyển tuy sợ hãi nhưng cắn chặt môi không hé một tiếng.
Chiếc đèn dầu trong tay Nghiêm Thế Xương chỉ chiếu sáng không quá một
trượng, trong ánh sáng mờ trắng trắng, vô số hạt mưa dường như đập thẳng
vào đèn. Anh biết không nên đi tiếp nên nói với Tĩnh Uyển: “Bây giờ cho
dù quay lại thị trấn cũng rất nguy hiểm, tôi nhớ phía trước có một miếu
Quan Đế, hay là tối nay tránh tạm ở đó, sáng mai lại lên đường”.
Tĩnh Uyển chỉ thấy áo ướt dính vào người lạnh thấu xương, ngay cả
giọng nói cũng đang run rẩy: “Tôi nghe theo Nghiêm đại ca”. Họ lại đội
mưa đi một lúc mới thấy một cái miếu nhỏ. Trong miếu đã không còn hòa
thượng, vì khách qua đường vẫn hay thường dừng chân ở đây, nên trong
miếu cũng khá sạch sẽ, Nghiêm Thế Xương đặt đèn xuống, tìm một nơi
khô ráo cho Tĩnh Uyển ngồi. Tĩnh Uyển cởi áo mưa, chỉ thấy gió đêm thốc
thẳng vào người, lại càng lạnh hơn. Nghiêm Thế Xương thấy bên tường có
chất một ít cỏ khô, chần chừ một lát, nếu đốt lửa sẽ có người đến. Nhưng
nhìn ánh đèn le lói hắt trên mặt Tĩnh Uyển, sắc mặt cô trắng bệch không