5. Đối kháng - đầu hàng - hoà đàm.
Nhưng trong hội bàn quân sự ngày hôm sau, Tôn Quyền lại vấp phải một sự
bất ngờ.
Đầu tiên Trương Chiêu đứng đầu nhóm văn quan, cho rằng quân Tào thế
lực rất lớn, căn bản chẳng thể đối đầu, chẳng bằng sớm nhún mình với Tào
Tháo, cũng có thể đem lại sự thống nhất ở Trung Quốc. Các lão tướng Trình
Phổ và Hoàng Cái, thì chủ trương phòng thủ tiêu cực, tránh chọc giận Tào
Tháo, để mưu cầu hoà đàm với họ. Chỉ có Lỗ Túc và một số người tướng
lĩnh trẻ tuổi như Cam Ninh, Lăng Thống, Chu Thái, Lã Mông chủ trương
tích cực tác chiến bởi ý kiến chia rẽ, hai bên tranh cãi không thôi, Tôn
Quyền rất bực bội, mượn cớ thay áo khoác, lui vào phía sau một mình gọi
Lỗ Túc đến bí mật hội đàm. Lỗ Túc rất thản nhiên nói rằng: “Những lời bàn
bạc của mọi người vừa rồi, đối với tướng quân thực không phù hợp, nếu xét
về lợi hại thực tế theo như góc độ nhìn nhận của Lỗ Túc này là hãy nên đón
rước Tào Tháo mà đầu hàng triều đình; song địa vị của tướng quân lại
không cho phép, Lỗ Túc có đầu hàng Tào Tháo cũng chẳng hề gì ảnh
hưởng đến quan chức, có thể còn được quyền thế lớn hơn, song với tướng
quân thì sao? Sau khi đón rước Tào Tháo, ngài sẽ bị điều đên xứ nào nhỉ?
Xin hãy mau quyết định sách lược lớn! Không nên bận tâm ở ý kiến của
nhiều người”. Tôn Quyền than rằng: “Những người này thực khiến ta thất
vọng, chỉ có Lỗ Túc có cùng cách nhìn nhận với ta. Thực cảm tạ trời cao đã
đem khanh cho ta”. Lỗ Túc cũng đề nghị với Tôn Quyền lập tức triệu hồi
Chu Du, đô đốc thủy quân đang huấn luyện quân thủy ở hồ Bà Dương. Chu
Du là chiến hữu lâu năm của Tôn Sách, Tôn Sách lấy mỹ nữ Đại Kiều của
Giang Đông làm vợ, Chu Du thì lấy Tiểu Kiều, em gái của Đại Kiều làm
vợ, quan hệ của hai người rất mật thiết. Tôn Sách trước lúc lâm chung có
nói: “Việc trong không quyết thì hỏi Trương Chiêu, việc ngoài không quyết
thì hỏi Chu Du”. Nay đang chuẩn bị đối kháng với sự xâm nhập của giặc
ngoài, Chu Du tự nhiên là một nhân vật cố vấn rất quan trọng.