Các bộ tướng Hoàng Tập và Lý Thịnh của Mã Tắc cũng tán thành cách nhìn
nhận của Mã Tắc, Vương Bình bất đắc dĩ đành dẫn hơn một nghìn quân bản
bộ đến bầy trận ở bồn địa phía bắc Nhai Đình, để cùng với quân chủ lực của
Mã Tắc đóng trên núi, làm thành thế ỷ giốc.
Quân chủ lực của Trương Cáp ngày đêm hành quân vượt qua phía bắc Lũng
Sơn, từ phía đông bắc kéo đến Nhai Đình. Đến nửa đường Trương Cáp
được biết quan chỉ huy ở Nhai Đình là Mã Tắc, một viên tướng phái Thiếu
tráng mà Gia Cát Lượng vẫn xem trọng, bởi thế mà dễ sinh chủ quan, ông
ta một mặt phái quân do thám xem xét động tĩnh của Ngụy Diên ở quận An
Định, dự tính thời gian quân Ngụy Diên có thể kéo đến chiến trường này,
một mặt xem xét kỹ lưỡng tình hình Mã Tắc bầy trận ở Nhai Đình, chuẩn bị
vượt sông từ vùng nước nông qua Vị Thủy từ phía bắc Nhai Đình. Sau khi
đã thu thập đủ tình hình cặn kẽ, Trương Cáp sớm hạ lệnh cho đại quân đóng
trại ở phía bắc Vị Thủy, tự mình đến thẳng tiền tuyến quan sát động tĩnh của
quân Mã Tắc.
Sau khi ông ta đối chiếu tỉ mỉ bản đồ vẽ ở đấy với tình hình thực tế, không
khỏi cười lớn mà rằng: “Mã Tắc chỉ có danh tiếng suông, ắt bị ta bắt sống
vậy”.
Trương Cáp sớm phái một bộ phận binh lực, ở cửa khẩu Lũng Sơn cậy hiểm
mà phòng giữ để ngăn cản quân Ngụy Diên có thể giáp kích từ phía sau. Lại
phái phó tướng dẫn quân đột kích trong đêm vượt sông đánh vào đội quân
đặc biệt của Thục Hán giữ việc cung cấp nước ở phía đông bắc Nhai Đình.
Chỉ cần đột kích thành công, sẽ lập tức lập thành lũy về đầu cầu phía Nam
sông Vị Thủy, để yểm hộ cho quân Ngụy vượt sông tiến vào bồn địa Nhai
Đình.
Đại đội binh mã của Trương Cáp được phân thành nhiều đợt, đợt thứ nhất
lựa chọn vùng dễ vượt sông, phân thành mấy đội biệt động, sau khi vượt
sông thành công lập tức xây dựng lũy đầu cầu ở phía nam, làm việc yểm hộ;
đợt thứ nhất vượt sông được, thì tiếp đó các đợt 2, 3, 4 có thể với tư thế xuất
binh cờ quạt chỉnh tề đường đường vượt sông, lấy thanh thế để uy hiếp
quân Mã Tắc đóng ở chân núi.