Tiếc thay, xã hội nói chung lại không biết đến những trường hợp
ngược đãi trẻ em. Những đứa trẻ ấy là nạn nhân thường xuyên bị xúc phạm
và thường không thể nói ra hay kháng cự lại. Nỗi thống khổ đó sau này sẽ
chuyển sang người thân của họ và trở thành cái vòng luẩn quẩn.
Ngày nay, chúng ta bắt đầu nghe nói nhiều về ngược đãi trẻ em. Đây
đang là đề tài thường xuyên của phim ảnh và báo chí. Đó vẫn là vấn đề
riêng tư rất tế nhị của các nạn nhân, còn bản thân chúng ta thì quá mù mờ
không thể hiểu hết sự thật cũng như nỗi đau mà nạn nhân là những đứa trẻ
phải gánh chịu. Quyển sách đã soi rọi và giúp chúng ta nhận thức rõ hơn về
vấn đề này. Trong khi chúng ta cùng David trải qua những sợ hãi, mất mát,
cô độc, đau khổ thì bức màn về một thế giới tăm tối của trẻ em bị ngược đãi
dần dần lộ rõ - đó rõ ràng là một điều đau đớn vô cùng. Chúng ta hiểu được
tiếng khóc của trẻ thơ thông qua cái nhìn, cách lắng nghe và cảm nhận của
David Pelzer. Chúng ta cũng hiểu được nỗi lòng của nạn nhân từ những nỗi
đau dường như không thể chịu đựng nổi cho đến khi nạn nhân vượt qua
được tất cả những điều khủng khiếp đó.
Glen A. Goldberg
Cựu Giám đốc điều hành trung tâm bảo vệ trẻ em bị ngược đãi
Câu chuyện của David Pelzer phải được kể cho mọi người để chúng ta
có thể kêu gọi sự quan tâm của xã hội để nước Mỹ không còn tình trạng trẻ
em bị ngược đãi. Hàng triệu trẻ em - nguồn lực quý của chúng ta - đang là
nạn nhân của tình trạng này và bị xã hội phớt lờ. Cả mức độ và mật độ về
nạn ngược đãi trẻ em đã gia tăng một cách đáng kể trong thập niên qua.
Câu chuyện của David khiến mọi người hiểu được mức độ khủng khiếp của
nạn ngược đãi trẻ em đã vượt xa hơn mức báo động. Mỗi năm, hàng trăm
ngàn trẻ em không có khả năng tự vệ đã bị xâm hại bằng bạo lực, bị hành
hạ thể xác, cảm xúc và tình dục.