đến giới hạn của sự chịu đựng và vì thế trẻ em lại càng dễ trở thành nạn
nhân của nạn ngược đãi. Nếu xã hội quyết tâm tuyên chiến với vấn nạn này,
chắc chắn nó sẽ bị đưa ra ánh sáng. Và khi ấy, nguyên nhân của sự ngược
đãi sẽ được đem ra xem xét để xã hội có những hỗ trợ kịp thời. Trẻ thơ phải
được vô tư chơi đùa dưới ánh mặt trời chứ không phải sống trong những
chuỗi dài ác mộng với những mảng tối trong tâm hồn.
Steven E. Ziegler
Giáo viên
Tháng 9 năm 1992, như thường lệ, đó là thời gian tôi phải trở lại công
việc giảng dạy ở trường học. Trong suốt 22 năm đi dạy, tôi vẫn giữ trong
lòng niềm say mê và cảm giác hồi hộp không ngừng. Có gần 200 sinh viên
mới mà tôi phải quen mặt biết tên cùng vài thành viên mới trong khoa mà
tôi phải đến chào hỏi. Mọi thứ có vẻ chẳng có gì thay đổi, cho đến khi tôi
nhận được một tin nhắn qua điện thoại vào ngày 21 tháng 9. Tin nhắn đó đã
đưa tôi quay trở về 20 năm trước: “David Pelzer muốn thầy liên lạc với
người đại diện của ông ấy để bàn về vụ ngược đãi trẻ em cách đây 20 năm
mà thầy có biết một số thông tin”. Quá khứ nhanh chóng hiện về trong tôi.
Tôi vẫn còn nhớ rất rõ David Pelzer. Lúc ấy tôi là một giáo viên mới
ra trường, và khi nhìn lại mọi thứ, tôi thấy tôi chắng biết gì nhiều về lĩnh
vực mà mình đã chọn. Và điều tôi biết ít nhất chính là nạn ngược đãi trẻ
em. Vào đầu những năm 1970, bản thân tôi vẫn không biết liệu khái niệm
ngược đãi trẻ em có tồn tại hay không. Nếu có thì cùng lắm nó chỉ tồn tại
bên lề xã hội cũng như rất nhiều cách sống và hành vi cư xử không được đề
cập đến từ trước đó. Chúng ta đã học được rất nhiều, nhưng chúng ta còn
có một con đường rất dài phía trước để đi.
Trong tâm trí tôi hiện ra hình ảnh trường Thomas Edison ở thành phố
Daly, California. Tháng 9 năm 1972, cậu bé David Pelzer là một trong
những học trò lớp năm mà tôi phụ trách. Lúc đó tôi còn quá non nớt trong