nạn nhân. Mỗi năm con số trẻ em bị bạo hành lại một tăng cao. Năm 1990,
chỉ riêng ở Mỹ đã có hơn hai triệu rưỡi trường hợp trẻ em bị bạo hành.
Năm 1991, con số đó tăng lên hai triệu bảy trăm ngàn trường hợp. Còn tại
thời điểm quyển sách này được viết, con số thống kê trẻ em bị ngược đãi đã
lên đến hơn ba triệu trường hợp.
Tại sao lại có tình trạng này? Điều gì đã gây nên bi kịch trẻ em bị
ngược đãi? Thực trạng này có thật sự tồi tệ như người ta vẫn nghĩ? Chúng
ta có thể chấm dứt bi kịch đó hay không? Và có lẽ câu hỏi quan trọng nhất
chính là trong con mắt trẻ thơ, ngược đãi là như thế nào?
Những gì bạn vừa đọc là câu chuyện về một gia đình bình thường đã
bị phá hỏng bởi cách che giấu bí mật của họ. Câu chuyện chuyển tải hai nội
dung chính: trước hết, nó cho người đọc biễt rằng một người cha, người mẹ
dịu dàng, chu đáo có thể trở thành một con quái vật trút giận lên những đứa
con của họ một cách tàn nhẫn và lạnh lùng như thế nào; thứ hai, câu chuyện
cho độc giả thấy được sức mạnh tiềm tàng cũng như nỗ lực tinh thần to lớn
của những nạn nhân bị ngược đãi để vượt qua những hoàn cảnh tưởng
chừng như không có lối thoát.
Một số độc giả có thể cho đây là chuyện bịa đặt dùng để gây sự chú ý,
nhưng thực sự thì ngược đãi trẻ em là một hiện tượng có thật trong xã hội
chúng ta. Ngược đãi trẻ em sẽ tạo nên một phản ứng liên hoàn và ảnh
hưởng đến tất cả mọi người trong gia đình. Tổn thương lớn nhất chính là
đứa trẻ, sau đó đến người vợ hoặc chồng khi phải đóng vai trò là người
đứng giữa con trẻ và người bạn đời của mình. Không những thế, nó còn lan
sang những đứa trẻ khác trong gia đình, chúng không hiểu chuyện và cảm
thấy sợ hãi khi phải tận mắt chứng kiến tất cả. Điều này cũng liên quan đến
những người hàng xóm - những người chắc chắn có nghe tiếng thét cầu cứu
nhưng chẳng có phản ứng gì, những người thầy, người cô thấy những vết
bầm và phải lưu tâm đến những đứa trẻ mất tập trung trong giờ học và cả
những người muốn can thiệp vào nhưng lại sợ mất lòng.