Chia thành hai nhóm, vòng qua hai hướng quan sát trong gần một giờ.
Chúng tôi kết luận: Nơi chúng ở là một khu đồi bằng lăng có độ dốc rất lớn
về phía sau giáp với một con suối. Có thể nhóm địch này là lực lượng mới
chuyển tới, đang đổ cây làm hầm rất vội vã. Từ bên này suối chúng tôi
quan sát chúng bên kia suối rất rõ ràng. Lực lượng chúng khoảng ba mươi
tên chia thành ba nhóm cưa cây, chặt nhánh và di chuyển. Không thấy
chúng cưa cây to chỉ cưa những cây có đường kính chừng 20 – 30 cm. Căn
cứ vào hướng chúng di chuyển, ta đoán địch đào khoảng năm hầm (thực
chất bảy hầm). Nghiên cứu địa hình và cân đối lực lượng địch ta thì lực
lượng tại chỗ không thể tấn công đánh chúng, vì đây là đất Thái khó khăn
cho việc rút lui sau trận đánh, và dễ bị chúng đánh ép từ hai phía. Thông
báo về nhà, e95 yêu cầu bám địch theo dõi chúng, nếu chúng di chuyển thì
bám theo và báo cáo… chờ lệnh (chưa có lệnh tấn công địch bên kia biên
giới Thái Lan).
Suốt cả buổi chiều chúng tôi cùng thảo luận cách đánh, mỗi cách đều có
một trở ngại riêng (cơ bản là trên đất Thái) cuối cùng nêu ra một cách đánh
táo bạo mà có thể thành công. Sử dụng cối và lực lượng đánh nhanh và rút.
Trong giờ liên lạc gần tối điện về e95 nhận được câu trả lời ngắn gọn của
Thủ trưởng Hổ “Yêu cầu bám sát địch – Chờ lệnh – Cấm nổ súng khi chưa
phải là bị lộ. Chờ sáng mai.”
Xuất phát từ ý định đánh chúng theo phương án đánh nhanh. Chiều tối
anh Thanh mang hai quả mìn Claymore về hướng lòng suối mỗi quả cách
nhau 10 m.
Đêm đó anh em cùng rút ra khỏi vị trí khoảng gần 300 m, chỉ để lại sáu
anh em nằm bên này suối theo dõi ban đêm (anh Thanh đen Ts e95, lính 5/
78 quê Hoài Nhơn, Bình Định phụ trách).
Giờ liên lạc sáng nhận điện e95 “Chờ c9 chi viện và quyết định theo chỉ
huy c9. Máy 24/ 24.”