Những kẻ từ phiên khác đến tu tập võ nghệ được gọi là kiếm thuật
chư sinh, họ có quyền lựa chọn võ đường để theo học nhưng phần lớn
người đến đây đều chọn võ đường Momoi Shunzou phái Kyoushin Meichi
Ryu ở cách đấy không xa. Ở khu phố Kyoubashi Oke gần dinh thự
Kajibashi cũng có võ đường của Chiba Sadakichi phái Hokushin Ittou Ryu
cũng được nhiều người ưa chuộng. Cũng trong thời gian này Sakamoto
Ryouma cũng đến võ đường Chiba theo học kiếm thuật.
Võ đường Momoi Shunzou mà Takechi chọn là một trong ba nơi
làm mưa làm gió trong làng kiếm ở Edo đương thời. Thời đó người ta vẫn
truyền tụng nhau rằng Momoi cứng về thế thủ, Chiba mạnh về kỹ thuật
trong khi họ Saitou ra đòn rất ác liệt.
Izou cũng theo Takechi vào nhập môn. Đường chủ lúc bấy giờ là
Momoi Shunzou đời thứ tư, tên tục là Naomasa và là kiếm khách kiệt xuất
nhất trong các đời Momoi. Trong số môn hạ thì có vô số kiếm hào mà các
chủ võ đường cỡ nhỏ ở Edo cũng phải rùng mình như Ueda Umanosuke,
Kanematsu Naoyasu, Kubota Shinzou hay Sakabe Daisaku.
Takechi vào đây như rồng gặp nước, như hổ về rừng, chẳng mấy
chốc mà phát huy hết tài năng sở học của mình. Nhập môn được một năm
đã được cử lên làm chức tổng giám sát đám môn sinh trong võ đường. Dù
gì thì cũng là một chủ võ đường ở Tosa, hội đắc được cực ý các phái kiếm
khác nên dĩ nhiên cũng khác xa đám môn sinh còn lại.
Mà sư phụ Momoi Shunzou cũng đặc biệt tỏ ra kính trọng Takechi.
Hẳn là con người này có những tố chất khiến người ta kính trọng như vậy.
Thứ nhất là Takechi có tài tổ chức. Vào lúc còn chưa nắm chức tổng
giám sát thì đã có lần can gián sư phụ Momoi: “Mọi quy củ đạo đức của võ
đường ngày càng đi xuống”.