gấm của Tatewaki. Từ vết cắt trên cổ, máu tuôn ra như suối. Izou cầm lồng
đèn tiến đến gần xác chết, tay sờ vào vết cắt thì quả nhiên, quanh miệng lỗ
trên thân hình mất đầu kia nhẵn nhụi trơn tru như được gọt dũa bằng tay
cẩn thận. Hắn lấy làm thỏa mãn lắm rồi xuống sông rửa tay. Người đồng
chí của hắn soi đèn lồng vào chỉ thấy khuôn mặt lạnh lùng bình thản của
hắn như một bác sĩ ngoại khoa sau cuộc giải phẫu.
Sau chuyện này, Izou luôn có mặt ở hiện trường những vụ “Thiên
tru” (Tenchu) nổi tiếng. “Thiên tru” có nghĩa là thay trời mà ra hình phạt, từ
này xuất hiện vào khoảng thời gian này từ những thành phần bất mãn với
chính sách của Đại lão Ii Naosuke. Những thành phần này mang tư tưởng
phản lại Mạc phủ rồi sau đó hình thành thế lực lớn mạnh chủ trương đánh
đổ Mạc phủ, ám sát những nhân vật quan trọng của bộ máy này. Mỗi khi
ám sát người của Mạc phủ, kẻ ám sát thường để lại từ “Thiên tru” này.
Trong thời gian này Takechi cũng lần lượt chỉ huy các chí sĩ dưới
tay mình thực hiện nhiều vụ “Thiên tru”, nhưng đối với chuyện giết người
của Izou thì lại tỏ ra khó chịu.
Đối với Takechi thì chuyện ám sát bắt nguồn từ luận lý chính trị và
chính nghĩa, từ lý tưởng muốn đánh đổ Mạc phủ để cứu nguy cho quốc gia
thiên hạ. Còn những cuộc chém giết của Izou chỉ là như chuyện đồ tể sát
sanh mà thôi. Takechi lấy làm khó chịu vì có một kẻ ám sát ngu muội dưới
trướng mình, vì hắn mà chuyện ám sát thần thánh của mình và các chí sĩ bị
ô uế. Nhưng đối với Izou thì giết người lại là chuyện thần thánh. Bản thân
hắn chẳng thể nào nói lên được cái chính nghĩa và lý luận của mình nên
mới mượn chuyện ám sát để cái chính nghĩa đó được thừa nhận. Thế mà nó
bị Takechi chà đạp thì quả là không còn chỗ đứng đối với một chí sĩ như
hắn.
Có lần Takechi nghiêm mặt hỏi gặng Izou:
- Tại sao ngươi giết người?
- Vì “Thiên tru”.
Izou cố bám víu. Nhưng khuôn mặt của Takechi bỗng trở nên lạnh
lùng.
- Đó là từ ngữ của chúng ta, ngươi nói được sao.