28.
Cả Hayward lẫn Weeks đều không ngờ rằng những câu chuyện trong một
tối vô công rồi nghề vậy mà sau đó cứ trăn trở trong đầu óc siêng năng của
Philip. Trước đây chàng không bao giờ nghĩ rằng tôn giáo lại là vấn đề có
thể đem ra bàn cãi. Ðối với chàng tôn giáo có nghĩa là giáo hội nước Anh,
và không tin vào giáo lý của nó là dấu hiệu ngoan cố không thể không bị
trừng phạt kiếp này hoặc kiếp sau. Đầu óc chàng ít nhiều còn hồ nghi về sự
trừng phạt những người vô đạo. Có thể vì quan tòa khoan dung dành riêng
ngọn lửa địa ngục cho người ngoại đạo là môn đồ của Mô-ha-mét, của Phật
v.v..., hẳn sẽ tha thứ những kẻ biệt giáo và công giáo La Mã (dù họ phải trả
bằng giá bao nhiêu điều khổ nhục để buộc phải hiểu rõ những sai lầm của
mình), cũng có thể nỗi thương xót những kẻ không có cái may mắn học hỏi
được chân lý - điều này cũng khá có lý mặc dù trong hoàn cảnh đó những
hoạt động như vậy của Hội Truyền giáo không nhiều nếu gặp được may
mắn mà họ lại hững hờ (hiển nhiên người công giáo La Mã và người biệt
giáo ở trong số này) thì sự trừng phạt là chắc chắn và xứng đáng. Rõ ràng
người tà giáo nằm trong tình thế nguy hiểm. Về vấn đề này, có lẽ Philip
chưa được dạy bảo bằng nhiều tin báo như vậy, nhưng chắc chắn chàng có
cảm tưởng rằng chỉ tín đồ Anh quốc giáo mới được hy vọng thực sự về
hạnh phúc vĩnh cửu.
Một trong những chuyện Philip nghe được rành mạch là người không tín
ngưỡng là người độc ác tội lỗi xấu xa, nhưng mặc dù Weeks khó mà tin
được những điều Philip tin tưởng; anh ta lại sống một cuộc đời trong trắng
của người công giáo. Trong cuộc đời, Philip ít gặp điều tử tế, chàng cảm
động khi thấy người Mỹ này tỏ ý giúp mình; có một lần chàng bị cảm lạnh,
phải nằm liệt giường ba ngày, Weeks đến săn sóc chàng như một bà mẹ. Ở
con người này, không có thói hư tật sấu, cũng không có tính độc ác, mà chỉ