24.
Hằng ngày giáo sư Erlin giảng bài cho Philip. Ông lập một danh mục
những sách Philip cần đọc trước, để cuối cùng sẵn sàng hoàn thành việc
nghiên cứu Faust đồng thời ông giúp chàng dịch ra tiếng Đức một vở kịch
của Shakespeare mà Philip đã học ở trường. Ðó là thời kỳ Goethe nổi tiếng
nhất ở Ðức. Mặc dù có phần nào hỡ hững với tinh thần yêu nước, ông cũng
được công nhận là nhà thơ dân tộc và từ cuộc chiến tranh 70, như là một
trong số vĩ nhân tiêu biểu của sự thống nhất quốc gia. Trong đêm hãi hùng
của Walpurgisnacht những kẻ hăng hái như còn nghe tiếng rền vang của
pháo binh ở Gravelotte. Nhưng một tiêu chuẩn của nhà văn lớn là từ nhiều
ý nghĩ khác nhau, nhà văn tìm ra được nguồn cảm hứng dạt dào, và giáo sư
Erlin vốn ghét người Phổ, đã say sưa thán phục Goethe vì tác phẩm của
ông, uy nghi và sâu sắc, đã đem lại chỗ dựa duy nhất cho những tâm hồn
lành mạnh chống lại sự công kích dữ dội của thế hệ đương thời. Gần đây, ở
Heidelberg có một nhà soạn kịch tên tuổi mà tác phẩm được diễn nhiều.
Mùa đông trước một vở kịch của ông được đem diễn ở nhà hát, giữa tiếng
hoan hô của những người đứng đắn. Và Philip đã được nghe cuộc tranh
luận về vở kịch đó, nổ ra giữa nhóm người ngồi ăn ở nhà bà chủ. Giáo sư
Erlin đã không giữ được tính bình tĩnh quen thuộc của ông, ông đập bàn,
lớn tiếng phát biểu những ý kiến chính xác, áp đảo phe đối lập. Một vở kịch
phi lý và tục tĩu. Ông buộc phải ngồi xem cho đến hết buổi nhưng ông
không hiểu là mình buồn chán hơn hay kinh tởm hơn. Kịch cọt gì mà đến
nông nỗi này thì đã đến lúc cảnh sát phải đến mà đóng cửa nhà hát thôi.
Ông không phải là người khó tính khó nết, ông cũng có thể cười như ai, về
chuyện đồi bại dí dỏm của vở hài kịch nơi cung đình, nhưng đây thì toàn
những chuyện rác rưởi. Bằng một điệu bộ cường điệu, ông bịt mũi và xì xì
qua kẽ răng. Ðó là gia đình đổ nát, đạo đức suy đồi, là sự phá hoại nước
Đức.