lạc. Lúc này, Trần A Kiều đã như con chim phải tên thấy cành cong cũng sợ, nàng lẩn tránh,
nàng sợ hãi và hơn hết là nàng không còn tin vào tình cảm của y. “Thời gian như nước nhẹ
trôi qua cầu, có thể làm dịu đi nỗi đau nhưng làm sao bắt được một con tim từng bị tổn
thương không đề phòng người ngày đó đã từng phụ bạc?” Y không thể nhìn thấu, không
thể khuất phục nàng.
Và Lưu Triệt bắt đầu lần tranh đấu lớn nhất đời mình. Y tranh đấu với những tham
vọng đế vương, những phồn hoa hư ảo của đời người đã phủ bóng quá sâu lên chân tình,
làm khuất lấp những rung động ban sơ. Có những lúc tưởng chừng như y đã chạm được
vào trái tim của A Kiều nhưng rồi lại vuột xa để rồi cứ thế lầm lũi tìm lại bản ngã của mình.
Trong suốt hành trình này, quyền uy đế vương cũng chẳng có ý nghĩa gì cả mà chỉ có trái
tim. Đời nói y vô tình nhưng chính y dần dần cũng chẳng rõ mình vô tình hay đa tình khi A
Kiều đã trở thành chính trái tim y. Đến trước khi mất, y vẫn nói chưa từng hối hận chuyện
năm xưa vì nhờ đó mà y đã biết được ý nghĩa thực sự của tình yêu, như điện Chiêu Dương
mà y xây nên. Chiêu Dương! Chiêu Dương! Đón vầng dương trở lại sưởi ấm cho những
tháng ngày lạnh giá.
Còn Vệ Tử Phu, nàng cũng có hành trình của riêng mình. Xuất thân thấp kém, nàng ban
đầu chỉ mơ ước có một cuộc sống đầy đủ, người thân được bình an, nhưng rồi nàng đã trở
thành bậc mẫu nghi thiên hạ, truyền kỳ trong chốn nhân gian. Nàng bao lần nhủ thầm
mình không được yêu y nhưng lại không cưỡng nổi tiếng gọi của trái tim mình. Nàng tranh
đấu, nàng quyết liệt bảo vệ tình yêu của mình kể cả bằng biện pháp cực đoan nhất để rồi
vẫn phải chịu thất bại bởi nàng là người đến sau. Nhưng tử sinh có nghĩa gì đâu khi con
tim đã trao trọn cho người, và nàng chỉ an tâm uống chén canh Mạnh Bà để quên đi hết
thảy những ân oán tình cừu sau khi được gặp lại quân vương của mình dưới suối vàng và
biết y đang hạnh phúc.
“Gió Bắc gieo giá lạnh
Miên man kể nỗi sầu
Chung sống đến đầu bạc
Tử sinh đáng gì đâu.”