Một cách nhìn nhận khác về kinh tế học
Bàn đến kinh tế học là nói đến nỗ lực đi tìm lời giải thích hành vi của các
chủ thể trong nền kinh tế. Đó có thể là người tiêu dùng, nhà đầu tư, doanh
nghiệp, chính phủ, hay đối tác nước ngoài... Đặc thù của kinh tế học là lời
giải thích đó nhằm vào cách tìm kiếm tối đa hóa mục tiêu của chủ thể (tối
đa hóa sự tiện ích, phúc lợi, hay giảm chi phí, tăng lợi nhuận,…) trong điều
kiện các nguồn lực có hạn. Với nghĩa đó, nhiều người xem kinh tế học chỉ
như một môn khoa học xã hội “chật hẹp”.
Kể từ khi kinh tế học thực sự được coi là khoa học, tức là có giả định,
giả thuyết, lý thuyết và kiểm định thực nghiệm (có thể là bằng các công cụ
toán kinh tế), thì vấn đề lại có vẻ diễn biến theo chiều hướng xấu hơn.
Không ít người cho rằng kinh tế học đã trở nên “tầm thường”, vì nó quá
“xa lông”, xa rời với thực tiễn. Tôi còn nhớ khi học chương trình thạc sĩ
kinh tế tại Trường Đại học Quốc gia Australia, ông thầy dạy kinh tế học vi
mô năm nào cũng ra một câu hỏi thi cho sinh viên là: Tại sao giả định hành
vi (luôn là) thuần lý của chủ thể lại cực kỳ quan trọng và có thể chấp nhận
được? Tôi đã cố gắng trả lời, song đến bây giờ tôi cũng không biết là mình
đã trả lời đúng đến đâu. Có lẽ bản thân ông thầy dạy chúng tôi chắc cũng
không có được câu trả lời hoàn hảo(?).
Cuốn sách Kinh tế học dành cho đại chúng đưa chúng ta tới một cách
nhìn nhận khác về kinh tế học. Có thể nhiều người cho đây là một cuốn
sách phổ cập giới thiệu về các nguyên lý kinh tế học. Tôi nghĩ không hẳn
như vậy. Đúng hơn, đây là cuốn sách đem lại cho bạn mối liên hệ gần gũi,
bình dị, song cũng rất lý trí, giữa các nguyên lý kinh tế cơ bản và dòng
chảy sôi động của cuộc sống đang diễn ra. Các khái niệm, thuật ngữ tưởng
chừng rất khô khan như chi phí - lợi ích, hiệu quả, chi phí cơ hội, cạnh
tranh, rủi ro, ngẫu nhiên,… được hòa quyện trong biết bao chuyện thường
nhật, từ việc mua soda cam và xăng, tình bạn, tình ái, đến chứng khoán, xét
xử, tranh cử tổng thống, ngụy biện chính sách và cả triết lý về dân chủ…