Đọc cuốn sách của giáo sư Landsburg cũng giống như thưởng thức một
bữa trưa từ tốn, nhẹ nhàng, thú vị vậy. Rất nhiều món ăn “các câu hỏi”
được bày ra. Tại sao trong nền kinh tế thị trường, cá nhân “chỉ kiếm lợi cho
riêng mình” lại có thể bị dẫn dắt bởi “một bàn tay vô hình” dẫn đến kết cục
đẹp là sự thịnh vượng chung của xã hội? Tại sao “các loại thuế đều xấu”?
Tại sao đối với các nhà kinh tế, “chính sách là một sai lầm, nhưng lại là
một sai lầm ‘thơm ngon’”?... Hứng thú đến bất ngờ vì chúng ta được nếm
trải rất nhiều lý giải hợp lý cho những điều tưởng chừng vô lý và cả những
điều vô lý trong những hành vi dường như rất có lý. Và để rồi chúng ta sẽ
phần nào hiểu được vì sao thị trường cũng
“tinh vi”, “diệu kỳ” không kém thiên nhiên và còn hơn nữa, sự tinh vi đó
“thường xuyên giành được những chiến công mà ngay cả thiên nhiên cũng
không dám thử”.
Kinh tế học tranh luận về cái hợp lý và bất hợp lý, và chính vì vậy, chân
lý luôn là điều để ngỏ. Nếu đã biết thưởng thức bữa trưa, tại sao chúng ta
không suy tư, nhâm nhi thêm tách trà hay cà phê. Biết đâu, chúng ta lại có
lời lý giải hay hơn, hợp lý hơn cho rất nhiều câu hỏi mà cuốn sách (và cả
cuộc sống) đặt ra. Và khi đó, chúng ta hiểu hơn hành vi ứng xử của con
người, như tác giả đã viết: “Hiểu biết không xa tôn trọng là bao”.
Hy vọng cuốn sách sẽ giúp ích cho tất cả những ai muốn nắm bắt các
nguyên lý kinh tế học cơ bản, muốn vận dụng chúng vì một cuộc sống tốt
hơn, đẹp hơn cho mình, người thân và xã hội.
Xin trân trọng giới thiệu với độc giả cuốn sách rất thú vị này!
Hà Nội, ngày 27 tháng 8 năm 2010
TS. VÕ TRÍ THÀNH
Viện phó viện Quản lý Kinh tế Trung ương