LỜI GIỚI THIỆU
T
hời thơ ấu, chúng ta thường đặt ra vô số câu hỏi về thế giới xung quanh
mình. Tại sao sấm chớp lại xuất hiện lúc mưa giông? Tại sao trái đất quay?
Tại sao đôi lúc chiến tranh lại xảy ra? Tại sao có người giàu người nghèo?
Tại sao và tại sao…
Các câu hỏi “tại sao” và “như thế nào” sẽ biến mất dần khi trưởng
thành. Lúc này, những thắc mắc của chúng ta bớt tính tò mò và trở nên thực
dụng hơn. Chúng ta bắt đầu tìm hiểu về công việc, tiền lương, lãi suất, bất
động sản, chứng khoán và những câu chuyện trà dư tửu hậu khác.
Tuy nhiên, vẫn có những người tiếp tục theo đuổi các câu hỏi “tại sao”
và “như thế nào” về thế giới xung quanh mình. Họ trở thành nhà nghiên
cứu, nhà khoa học, chuyên viên công nghệ hoặc nghệ sĩ.
Steven D. Levitt tốt nghiệp Đại học Harvard năm 1989 và trở thành
một nhà kinh tế học nổi tiếng từ khi còn rất trẻ. Anh nhận giải thưởng John
Bates Clark vào năm 2003, khi mới 36 tuổi. Cũng giống như nhiều nhà
kinh tế học khác, Levitt luôn đặt câu hỏi “tại sao” và “như thế nào” về thế
giới xung quanh. Nhưng khác với số đông, anh chỉ tò mò về những thứ thú
vị mà phần nhiều trong đó đều rất “quái” và ngộ nghĩnh. Là một nhà kinh
tế học sắc sảo và uyên bác, Levitt luôn tìm cách thỏa mãn trí tò mò về thế
giới xung quanh. Anh đã sử dụng các công cụ kinh tế và phương pháp luận
của một nhà khoa học để trả lời các câu hỏi kỳ quặc về sự vận hành của
cuộc sống hay các hiện tượng xã hội nổi bật. Levitt tò mò về sự sụt giảm
bất ngờ của tỷ lệ tội phạm ở New York (theo dự báo lẽ ra nó phải tăng lên),