Chương 1
KINH TẾ TRUNG QUỐC SAU KHỦNG
HOẢNG TÀI CHÍNH - TIỀN TỆ THẾ
GIỚI 2008 - NHỮNG MẦM MỐNG CỦA
RỦI RO
PHẠM SỸ THÀNH
DẪN NHẬP
Ngày 15/9/2008, Lehman Brothers tuyên bố phá sản, đánh dấu sự bùng nổ của
một cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ. Sự hoảng loạn lan rộng trong các định
chế tài chính toàn cầu, tình trạng thiếu hụt thanh khoản dẫn đến bán tháo các tài
sản đã làm xấu đi bảng cân đối tài sản của các định chế này. Cuối cùng, bảng cân
đối tài sản xấu đi lại gây khó khăn cho hoạt động huy động vốn, từ đó hình thành
nên một vòng thiếu hụt thanh khoản tuần hoàn (Lê Hồng Giang, 2010).
Kinh tế Trung Quốc – với đặc tính dựa vào xuất khẩu và đầu tư – đã hứng chịu
trọn vẹn cú sốc này (Hình 1.1).
Mặc dù không chịu tác động suy giảm nặng nề như kinh tế Mỹ, Nhật hay EU
nhưng tăng trưởng GDP theo quý của Trung Quốc sau khi khủng hoảng xảy ra
cũng lập tức thiết lập đáy vào quý I/2009 (tăng trưởng 6,6%), trong khi đó tăng
trưởng xuất khẩu sụt giảm lớn nhất kể từ khi gia nhập WTO. Tháng 11 – chỉ hai
tháng sau khi xảy ra khủng hoảng – tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc ngay
lập tức “rơi tự do” từ mức tăng trưởng 19,1% (của tháng 10) xuống còn -2,2%
(của tháng 11). Đến Tết Nguyên Đán năm 2009, các doanh nghiệp xuất khẩu
Trung Quốc nhận thấy xuất khẩu của mình đã sụt giảm tới 25,7%. Kết thúc năm
2009, tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc suy giảm 16% so với năm trước, và
là lần xuất khẩu xuất hiện tăng trưởng âm duy nhất cho đến nay (Hình 1.2).