Vài ngày sau, bậc Ðạo sư đến cung vua, và ngồi xuống tọa sàng. Vua đến
gần Ngài đảnh lễ và nói:
- Bạch Thế Tôn, trẫm nghe rằng thân tộc của Ngài đưa con gái của một nô tỳ
về cho trẫm làm hoàng hậu. Trẫm đã truất hết phần trợ cấp của chúng, và chỉ
cho chúng những thứ dành cho nô tỳ mà thôi.
Bậc Ðạo sư đáp:
- Tâu đại vương, dòng họ Thích-ca đã làm việc trái đạo! Nếu họ dâng con
gái, đáng lẽ ra họ phải dâng một công chúa thuộc dòng huyết thống của họ
kia. Song, thưa đại vương, Ta nói điều này, Vàsabha là con gái của vị vương
tử, và trong cung điện của một vị vua quý tộc Sát-đế-ly, nàng đã nhận lễ
quán đảnh; còn Vidùdabha cũng là vương tử của một vị vua quý tộc Sát-đế-
ly. Các bậc trí nhân ngày xưa đã bảo: Dòng họ mẹ nào có quan trọng, dòng
họ cha mới là chuẩn mực. Với một người vợ nghèo khó, một người lượm
củi, họ đã đưa lên địa vị chánh hậu, và vị vương tử do bà ấy sinh ra được
nắm vương quyền tại Ba-la-nại, rộng mười hai dặm đã trở thành vua Kattha-
Vàhana, hiệu là Tiều phu.
Do đó, Ngài kể cho vua nghe chuyện tiền thân Katthahàri (số 7 - Chuyện
Nàng lượm củi).
Khi vua nghe bài thuyết giáo này, lòng rất hoan hỷ nhủ thầm: "Dòng họ cha
là tiêu chuẩn đo lường một con người". Rồi vua lại ban những gì phù hợp
cho hai mẹ con nàng như trước.
Lúc bấy giờ viên đại tướng quân của vua, là một người có tên gọi Bandhula.
Vợ ông ta là Mallikà không sinh sản gì, nên ông sai đưa nàng đến tận
Kusinàra, bảo nàng trở về với gia đình nàng. Nàng nói:
- Ta sẽ đi khi nào ta đã kính bái bậc Ðạo sư.
Nàng đi đến Kỳ Viên vái chào đức Như Lai rồi đứng đợi một bên. Ngài hỏi:
- Bà đi đâu bây giờ?
Nàng đáp:
- Bạch Thế Tôn, chồng của con bảo đưa con về nhà.