trường hợp của Thomas, thực tế không giống như những gì mình mơ
mộng.
Từ điểm khởi đầu này, tôi bắt đầu với Quy tắc #1, nơi tôi phá bỏ thuyết đam
mê. Nhưng tôi không dừng lại ở đó. Hành trình tìm kiếm này đã đẩy tôi tiến
xa hơn việc xác định đâu là những thứ không hiệu quả, để tiến đến câu hỏi:
Nếu "theo đuổi đam mê"là một lời khuyên tồi, vậy thì tôi nên làm gì?
Quá trình đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này, như Quy tắc từ #2 đến #4 thể
hiện, đưa tôi đến những nơi không ngờ tới. Ví dụ như để hiểu rõ hơn tầm
quan trọng của khả năng tự lập. Tôi dành một ngày trên nông trại thuộc sở
hữu của một người trẻ tốt nghiệp từ một đại học danh tiếng. Để nâng cao
hiểu biết của mình về kỹ năng, tôi dành thời gian với các nhạc sĩ chuyên
nghiệp. Tôi cũng len lỏi vào thế giới của các doanh nghiệp tư bản, các nhà
biên kịch, ngôi sao nhạc rock, lập trình viên máy tính, và tất nhiên có cả các
giáo sư. Đó chỉ là một vài ví dụ cho nỗ lực tìm kiếm những gì quan trọng và
những gì không quan trọng trong việc xây dựng một sự nghiệp hấp dẫn. Tôi
đã rất ngạc nhiên khi thấy rõ nhiều điều sau khi xóa tan đám sương mù che
khuất, vốn được tạo ra khi chỉ chăm chăm tập trung theo đuổi niềm đam
mê.
Các câu chuyện trong quyển sách này xoay quanh một chủ đề thường gặp:
tầm quan trọng của năng lực. Tôi nghiệm thấy rằng những yếu tố tạo nên
một công việc tuyệt vời thì rất hiếm hoi và quý giá. Nếu muốn có nó, bạn
cần một thứ gì đó hiếm hoi và quý giá để trao đổi. Nói cách khác, bạn cần
phải giỏi một việc gì đó trước khi mong đợi có được một công việc tốt.
Tất nhiên, chỉ sự tinh thông thôi thì không đủ để đảm bảo hạnh phúc: Có rất
nhiều ví dụ về những con người đáng kính nhưng lại bị nghiện công việc
một cách khổ sở. Do đó, lập luận của tôi không chỉ dừng lại ở việc đơn
thuần đạt được những kỹ năng hữu ích mà còn tiến vào nghệ thuật đầu tư