Thomas đã theo đuổi niềm đam mê tại Tu viện Zen Mountain, đã tin tưởng
như nhiều người khác rằng chìa khóa đến với hạnh phúc là xác định niềm
đam mê và theo đuổi nó với tất cả sự can đảm và nhiệt huyết. Nhưng cũng
như những gì Thomas trải qua vào buổi chiều Chủ nhật trong khu rừng sồi,
niềm tin này là một sự ngộ nhận đáng sợ. Hoàn thành ước mơ trở thành một
Thiền sư thật sự không làm cho cuộc sống của anh trở nên tuyệt vời.
Thomas phát hiện ra rằng, con đường dẫn tới hạnh phúc - ít nhất là liên quan
đến công việc bạn làm để kiếm sống - là một thứ phức tạp hơn rất nhiều so
với việc trả lời một câu hỏi kinh điển, "Tôi nên làm gì với cuộc sống của
mình?"
Hành trình tìm kiếm bắt đầu
Mùa hè năm 2010, tôi bị ám ảnh bởi việc đi tìm câu trả lời cho câu hỏi đơn
giản: Tại sao một số người yêu thích công việc họ làm, nhưng số khác lại
không? Chính sự ám ảnh này đã dẫn tôi đến gặp những người như Thomas,
những người có các câu chuyện giúp chứng minh cho một quan điểm mà tôi
đã canh cánh trong lòng từ rất lâu: Nói đến tạo ra một công việc mà bạn yêu
thích, thì theo đuổi đam mê không hẳn là một lời khuyên hữu ích.
Lời giải thích cho những gì đã khiến tôi đi theo con đường này như sau:
Suốt mùa hè năm 2010, câu hỏi này bắt đầu xuất hiện trong lúc tôi đang
nghiên cứu sau tiến sĩ tại MIT, nơi tôi đã có bằng Tiến sĩ ngành Khoa học
Máy tính một năm trước đó. Tôi đang trên con đường trở thành một giáo sư,
mà với một chương trình sau đại học như MIT, thì đây là một con đường
đúng đắn. Nếu đi đúng hướng, thì giáo sư đại học chính là một công việc cả
đời. Nói cách khác, vào năm 2010, tôi đang lập kế hoạch cho cuộc săn việc
đầu tiên và cũng là cuối cùng trong đời. Nếu có lúc bạn cần tìm hiểu xem
điều gì tạo nên niềm đam mê trong công việc kiếm sống của mỗi người, thì
đây chính là lúc đó.
Khả năng tôi có thể không trở thành một giáo sư chính là thứ khiến tôi quan
tâm nhiều nhất trong khoảng thời gian này. Không lâu sau cuộc gặp gỡ với
Thomas, tôi có một cuộc hẹn với cố vấn của mình để thảo luận về công cuộc