công việc của mình, trước tiên bạn cần phải tích lũy những kỹ năng hiếm có
và quý giá để trao đổi. Tôi gọi những kỹ năng này là “vốn liếng sự
nghiệp,“và trong Quy tắc #2 tôi đã giải thích chi tiết cách thức đạt được
chúng.
Câu hỏi tiếp theo dĩ nhiên là làm thế nào để đầu tư nguồn vốn này khi bạn
đã có chúng. Quy tắc #3 khám phá một lời giải cho câu hỏi này bằng cách
lập luận rằng: việc có được quyền kiểm soát trong những gì bạn làm và cách
bạn làm nó là cực kỳ quan trọng. Đặc điểm này xuất hiện thường xuyên
trong cuộc sống của những người yêu công việc mình làm đến nỗi tôi gọi nó
là liều tiên dược của công việc mơ ước.
Tuy nhiên, đầu tư vốn vào quyền kiểm soát hóa ra lại rất phức tạp. Có hai
cái bẫy mà mọi người thường mắc phải trong quá trình theo đuổi đặc điểm
này. Bẫy kiểm soát thứ nhất chỉ ra rằng cố gắng đạt được nhiều sự kiểm soát
hơn khi chưa đủ vốn liếng sự nghiệp để chống lưng cho mình là một hành
động nguy hiểm.
Bẫy kiểm soát thứ hai cho thấy một khi bạn đã có đủ số vốn để chống lưng
cho mình, thì bạn vẫn chưa thoát khỏi rủi ro. Nguồn vốn này khiến bạn trở
nên giá trị với những ông chủ đến mức họ sẽ chiến đấu để giữ bạn đi theo
con đường truyền thống hơn. Họ nhận thấy rằng việc đạt được nhiều quyền
kiểm soát hơn thì tốt cho bạn nhưng không có lợi gì cho họ.
Những cái bẫy kiểm soát đặt bạn vào tình thế khó khăn. Giả sử bạn có một ý
tưởng để đạt được nhiều quyền kiểm soát hơn trong sự nghiệp và bây giờ
bạn đang gặp phải sự chống đối. Làm sao để bạn nhận biết được sự chống
đối này là hữu ích (giả dụ rằng, nó giúp bạn tránh được cái bẫy kiểm soát
thứ nhất) hay bạn cần phải lờ nó đi (giả dụ rằng, nó là kết quả của cái bẫy
kiểm soát thứ hai)?
Để giải đáp cho câu hỏi này, tôi đã tìm gặp Derek Sivers. Derek là một
doanh nhân thành đạt, một người đang sống một cuộc đời tự chủ. Tôi xin lời
khuyên của anh để lọc ra những quyết định theo đuổi sự kiểm soát và anh trả
lời với một quy tắc đơn giản: “Hãy làm những gì mà người khác sẵn sàng trả