CON TRẦM CẢM
CÂU HỎI:
Con gái tôi 6 tuổi, học lớp một. Mấy tháng gần đây tôi thấy cháu tỏ
ra buồn bã, ăn ít, khó ngủ và ngủ cũng rất ít, học hành sa sút. Đến lớp,
cháu không thích chơi với bạn bè, giờ ra chơi chỉ ngồi một mình. Ở nhà,
cháu cũng rất trầm tính, tỏ ra thờ ơ với mọi thứ. Hình như không lúc nào
tôi thấy cháu tỏ ra vui vẻ ngay cả khi được cha mẹ đưa đi chơi. Tôi cố
gắng tạo mọi điều kiện tốt nhất để con thoải mái nhưng cháu vẫn không
hứng thú gì với cuộc sống xung quanh. Tôi thực sự hoang mang và lo
lắng quá. Xin chuyên gia sớm cho tôi lời khuyên để giúp cháu thoát khỏi
tình trạng này.
- Chị N.T.M.T. (Quận Bình Thạnh, TP. HCM)
TRẢ LỜI:
Chào chị, tôi hiểu được nỗi lo lắng của chị khi phải chứng kiến sự mất
hứng thú với cuộc sống của con mình. Theo những gì chị kể thì có lẽ con chị
đang rơi vào trầm cảm. Có rất nhiều nguyên nhân gây nên trầm cảm ở trẻ em,
có thể là di truyền, sự mất mát, chia ly, căng thẳng từ mối quan hệ trong gia
đình, nhà trường hoặc ngoài xã hội… Hiện nay có nhiều trẻ em rơi vào trầm
cảm mà nguyên nhân thường thấy là từ phía gia đình (mất người thân, cha mẹ
gây gổ, ly dị hoặc la mắng, xúc phạm, cha mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng vào các
em tạo nên áp lực trong việc học hành …); căng thẳng từ trường học (thầy cô
trách phạt, bạn bè chê bai, nói xấu, ức hiếp hoặc tẩy chay…); mối đe dọa bên
ngoài xã hội (bị trấn lột, bạo hành, bị lạm dụng thể xác, tinh thần…) và cả từ
bản thân các em (sự tự ti, mặc cảm về ngoại hình, thiếu khả năng học tập,
giao tiếp…). Ngoài ra, sự bảo bọc, nuông chiều, mọi việc thuận lợi, dễ dàng
trong cuộc sống cũng khiến các em cảm thấy buồn chán, vô vị và mất hứng
thú với cuộc sống. Chứng trầm cảm của trẻ còn biểu hiện ở việc các em khó
tập trung suy nghĩ, thiếu tự tin, tự đánh giá thấp bản thân, mang mặc cảm tội
lỗi, sống thu mình và cảm thấy lạc lõng, cô đơn. Nếu không được kịp thời
chẩn đoán và chữa trị, các em sẽ có những hành vi gây nguy hiểm cho mình.
Tuy nhiên, để chẩn đoán chính xác, cần có sự tìm hiểu toàn diện về quá
trình lớn lên của cháu, như thế mới có thể tìm hiểu rõ được nguyên nhân. Vì
vậy, chị nên sớm đưa cháu đến gặp chuyên gia tâm lý để trò chuyện và có kế
hoạch điều trị cho cháu. Bên cạnh đó, chị hãy động viên cháu cùng tham gia
một số các hoạt động xã hội, sinh hoạt cộng đồng, khích lệ cháu chơi một
môn thể thao yêu thích nào đó. Có thể ban đầu, cháu sẽ không thích nhưng
chị hãy kiên nhẫn và khéo léo thuyết phục cháu chị nhé! Hy vọng rằng với sự
kiên trì và tấm lòng của người mẹ, chị sẽ cùng chuyên gia tâm lý sớm giúp
cháu tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống.
129