con đường riêng của mình và cho rằng Hoa Kỳ muốn cân bằng, đổi
hướng và ngăn cản sự tập trung tư tưởng của ông vào việc để nhà
nước chỉ huy kinh tế, các dự án HCI và các chiến lược huy động có
nguồn gốc sâu xa từ đặc trưng tinh thần Nhật Bản và chủ nghĩa dân
tộc Hàn Quốc của ông. Động lực trong hiện đại hóa của Park đã được
định hình bởi tương tác qua lại giữa hai thế giới quan cạnh tranh lẫn
nhau Nhật-Hàn và Hoa Kỳ.
Tác động của tương tác này có thể thấy rõ từ thời khắc ông lên cầm
quyền vào năm 1961. Nếu không phải vì áp lực ngoại giao và kinh tế
từ phía Mỹ liên tiếp buộc phải chuyển giao quyền lực cho người dân
trước năm 1963 thì chính quyền quân sự có lẽ đã nắm quyền lâu hơn
bằng cách đơn phương trì hoãn thời gian tiến hành các cuộc bầu cử
tổng thống. Tuyên bố sau này của Park về hiến pháp yushin nhằm trọn
đời cai trị Hàn Quốc bằng nắm đấm sắt đã khiêu khích Hoa Kỳ phải
tìm cách vô hiệu hóa nạn lạm quyền của Park thông qua biện pháp gây
áp lực ngoại giao bền bỉ về tự do hóa chính trị, bảo vệ quyền con
người và tinh thần thượng tôn pháp luật. Park bác bỏ các yêu cầu này
nhưng cũng chỉ đành chứng kiến sự gia tăng phản đối từ Hoa Kỳ dù
vẫn trong mức giới hạn đã đặt ra về nguyên tắc chủ quyền và không
can thiệp vào các vấn đề nội bộ. Cho dù hạn chế, những nỗ lực này
của Mỹ đã kìm hãm đáng kể hành vi chính trị của Park, buộc ông phải
đều đặn nới lỏng, nếu không phải là loại bỏ các biện pháp trấn áp. Sự
can thiệp của Hoa Kỳ cũng làm cho Mỹ trở thành suối nguồn của các
lý tưởng dân chủ và nguồn ủng hộ chủ yếu cho các nhóm chống đối
chính trị ở Hàn Quốc, điều này cổ vũ cho việc hình thành một liên
minh xuyên quốc gia giữa người Mỹ và các nhóm chống đối Hàn
Quốc đối đầu với chính quyền độc tài của Park.
Lĩnh vực kinh tế cũng chứng kiến sự xung đột nghiêm trọng. Khi
sao chép mô hình của Nhật Bản, ông nỗ lực xây dựng một “nước giàu,
quân mạnh” bằng cách thiết lập một nhà nước chỉ huy nền kinh tế.
Thiên hướng kiểm soát từ trên xuống đặc biệt rõ nét khi ông khởi