người trong số các quan chức tài năng nhất ở đây đã được Park tuyển
chọn vào làm trợ lý trong Nhà Xanh.
Hai mặt của Park
Trong quá trình thiết lập các cơ chế nội bộ chặt chẽ của các tổ chức
KCIA, EPB và Ban thư ký Nhà Xanh nhằm giúp ông hoạch định, thực
thi và giám sát cả các chính sách chính trị lẫn kinh tế, và cũng đang
tận hưởng tính chính danh vừa mới có được từ cuộc bầu cử năm 1963,
Park là một nhân vật hùng mạnh không có đối thủ vào giữa những
năm 1960. Những bận tâm của ông sau đó là cách thức để sử dụng
KCIA, EPB và các trợ lý Nhà Xanh để bảo vệ và mở rộng quyền lực
của mình. Để đạt được điều này, ông vạch ra hai chiến lược. Về chính
trị, ông áp dụng một chiến lược tiêu cực, tìm cách ngăn cản các lãnh
đạo phe phái trong DRP cũng như các chính trị gia của đảng NDP đối
lập trở thành những người cân bằng với ông về mặt chính trị. Trong
lĩnh vực kinh tế, ngược lại ông đã phát triển một chiến lược huy động
với mục tiêu tích cực là tạo ra giá trị, xây dựng một “thị trường” được
dẫn dắt bởi các mục tiêu đặt ra mang tính chính trị - các mục tiêu được
xác lập từ trên xuống bởi một nhà nước chỉ huy kinh tế - và đặt nhà
nước cùng các thế lực xã hội vào các vai trò bổ trợ mà ông nghĩ là cần
thiết để nền kinh tế do nhà nước chỉ huy đem lại kết quả như mong
đợi. Đáng ngạc nhiên là Park đã duy trì được chiến lược hai phía này
trong một thời gian dài, một phần vì ông nắm giữ quyền lực áp đảo
nhờ kiểm soát KCIA và EPB.
Bên cạnh cấu trúc thống trị này, đầu óc chiến lược của Park góp
phần rất lớn. Nếu không phải vì ông luôn đi trước người khác và điều
chỉnh những bước đi của mình khi dự đoán được người khác sẽ diễn
dịch và phản ứng như thế nào với những bước đi đó thì KCIA, EPB và
các trợ lý Nhà Xanh có lẽ đã không thể thành công khi thúc đẩy ngăn
chặn chính trị và huy động kinh tế. Ba cơ quan này hiện thực hóa được
tiềm năng của của chúng để sử dụng quyền lực chỉ vì ông chủ của
chúng, Park, đã hành động với tư duy chiến lược.