cấp cao để vô hiệu hóa cả Kim Jong-pil và Kim Seong-gon trong nỗ
lực kéo dài thời gian cầm quyền. Vào ngày 6 tháng 12 năm 1971, Park
tuyên bố tình trạng khẩn cấp của quốc gia. Sắc lệnh này xác định an
ninh quốc gia là ưu tiên tối cao của nhà nước và “không cho phép” bất
cứ bất ổn xã hội nào đe dọa đến an ninh. Để vượt qua những đe dọa an
ninh quân sự, người dân Hàn Quốc đã được kêu gọi hạn chế “bất kỳ
thảo luận vô trách nhiệm nào” về các vấn đề an ninh, xây dựng một
“hệ thống niềm tin mới” và chấp nhận những hạn chế tạm thời về
quyền dân sự.
Nội các hưởng ứng điều này vào ngày 7 tháng 12
với việc soạn thảo Luật Bảo vệ Lãnh đạo Quân sự, Luật Bảo vệ Bí mật
Quân sự và bản sửa đổi Luật Trưng dụng. Ba dự luật này đã đặt nền
tảng cho việc huy động hợp pháp quân đội vào các mục đích chính trị.
Một ngày trước đó, Park đã tuyên bố công khai quan điểm của mình
về tình hình an ninh đang thay đổi và những hạn chế về phương tiện
của nước này để chống lại mối đe dọa từ bên ngoài. Park tuyên bố “vì
không thể nào chống lại lưỡi gươm của kẻ xâm lược [Triều Tiên] bằng
những khẩu hiệu về tự do và hòa bình, [Hàn Quốc] cần phải tiến tới
với quyết tâm vững chắc để hạn chế một phần quyền tự do [vì an ninh
quốc gia].”
Để củng cố vị thế của mình hơn nữa, vào ngày 23 tháng 12, Park
kêu gọi chủ tịch Nghị viện Quốc gia cần đẩy nhanh việc ban hành
Luật An ninh Quốc gia Đặc biệt. Được thông qua vào ngày 27 tháng
12, đạo luật này tạo điều kiện cho Park ngăn cản thành công bất cứ
thách thức nào nhằm vào chính quyền của ông khi nó làm rõ rằng
nghĩa vụ của tổng thống là bảo vệ nhà nước, văn phòng tổng thống có
thẩm quyền điều hành nền kinh tế và phát lệnh tổng động viên toàn
quốc vì mục đích bảo vệ lợi ích nhà nước. Hơn nữa, đạo luật đặc biệt
này quy định rằng nhân danh an ninh quốc gia, tổng thống có thể hạn
chế quyền tự do lập hội và biểu tình chính trị, quyền tự do ngôn luận
và báo chí cũng như quyền hành động mang tính tập thể của công
nhân.