và Trung Quốc. Trong các cuộc gặp với Ikeda, Kōnō cố vấn: “Chúng
ta có cơ hội trước mắt tốt nhất kể từ khi kết thúc chiến tranh để giải
quyết vấn đề Nhật — Hàn. Trải qua khủng hoảng kinh tế trầm trọng,
đây là thời điểm Hàn Quốc đang cần tiền nhất. Hiện giờ là thời điểm
để đàm phán.” Kōnō cũng hối thúc Sugi Michisuke, ông trùm doanh
nghiệp từ vùng Kansai và là chủ tịch Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản
(JETRO), dẫn đầu phái đoàn Nhật Bản đến vòng đàm phán bình
thường hóa thứ 6 được định sẽ bắt đầu vào tháng 10 năm 1961.
Tuy nhiên, đối với Thủ tướng Ikeda Hayato, hợp tác với Park không
dễ dàng như Kōnō và Kishi lầm tưởng. Thứ nhất, Ikeda vẫn hoài nghi
về khả năng chính quyền quân sự có thể sắp đặt lại trật tự nội bộ và
vượt qua các thách thức chính trị. Thứ hai, ông không chắc về khả
năng của chính mình trong việc định hướng ý kiến quần chúng Nhật
Bản đằng sau vụ đàm phán về vấn đề các tuyên bố. Tình hình này
cũng không được trợ giúp bởi phong cách cai trị độc tài của Park, vốn
có thể tập hợp các đảng phái, báo chí và giới trí thức chống đối của
Nhật, cũng như những thành phần tự do hơn bên trong LDP, chống lại
các thỏa thuận chính trị với chính thể mà họ xem là chế độ quân sự
đàn áp. Hơn nữa, còn có giới cánh tả của Nhật, những người đã tổ
chức Hội đồng Liên lạc vào tháng 1 năm 1961 để điều phối chiến dịch
của họ chống lại việc bình thường hóa quan hệ với Hàn Quốc do điều
đó sẽ kéo theo mối nguy hiểm bị kéo vào mạng lưới quân sự với Mỹ
làm trung tâm ở Đông Á và thậm chí có thể là một xung đột quân sự
không mong muốn. Hội đồng này gồm các đại diện từ Đảng Cộng sản
Nhật Bản, Đảng Xã hội Nhật Bản, Tổng Hội đồng Công đoàn
(Sohyo), và Hiệp hội Nhật Bản - Triều Tiên, cùng các tổ chức chính trị
và xã hội khác. Trong một bối cảnh phân hóa chính trị trong nước như
vậy, chính Hoa Kỳ phải bước vào để thúc đẩy Ikeda đến bàn đàm
phán.
Lời đề nghị ban đầu