Nhật vẫn duy trì. Cũng như khi hai nước ký hiệp ước bình thường hóa
năm 1965, quyền lực chính trị trong khu vực đã ngăn cản sự suy sụp
của quan hệ này vào những năm 1970. Việc Hoa Kỳ rút quân khỏi
miền Nam Việt Nam năm 1973 và việc miền Nam Việt Nam được giải
phóng năm 1975 đã cảnh báo nước Nhật và thúc đẩy nước này kết hợp
chiến lược gắn kết hòa giải mới với lập trường chiến tranh lạnh phòng
vệ quân sự trước đó. Với các mối đe dọa quân sự tiếp diễn từ Trung
Quốc và Triều Tiên, Nhật Bản không thể duy trì chính sách của
Tanaka Kakuei vốn bị cáo buộc là “giữ khoảng cách bằng nhau” với
hai nước Triều Tiên. Thay vì vậy, người kế nhiệm của Tanaka tiến đến
việc xác nhận “Điều khoản Hàn Quốc” trong tuyên bố chung Nixon-
Satō năm 1969 mà theo đó Hàn Quốc được xem như là nhà nước có
tính chính danh duy nhất trên Bán đảo Triều Tiên. Thủ tướng Miki
Takeo, người thay thế Tanaka Kakuei đầy bê bối vào tháng 12 năm
1974 đã quyết định từ bỏ chính sách “giữ khoảng cách bằng nhau”,
ông này tin rằng việc Bán đảo Triều Tiên rơi vày tay Bình Nhưỡng sẽ
gây nên rắc rối nghiêm trọng cho lợi ích an ninh của chính Nhật Bản.
Điều này đồng nghĩa với việc sẽ nối lại những khác biệt mà Nhật Bản
có với Hàn Quốc về vụ bắt cóc Kim Dae-jung.
Được cảnh báo bởi nỗi sợ hãi về hiệu ứng domino gây ra bởi chiến
tranh ở miền Nam Việt Nam, Park cũng gác lại phía sau vấn đề về cái
chết của vợ mình. Giai đoạn khôi phục quan hệ tiếp diễn với cả
Fukuda Takeo và Ohira Masayoshi, hai thủ tướng Nhật cuối cùng mà
Park gặp trước vụ ám sát ông vào tháng 10 năm 1979. Trên thực tế,
chỉ vài tháng trước cái chết của mình, Park có thể đưa quan hệ song
phương lên một tầm cao mới, vượt khỏi vai trò hợp tác kinh tế để thiết
lập nền tảng cho hợp tác an ninh. Bắt đầu với những chuyến thăm lịch
sử đến Hàn Quốc của cả Nagano Shigeo, tham mưu trưởng Lực lượng
Tự vệ Đất liền (SDF) của Nhật Bản, và Yamashita Ganri, giám đốc Cơ
quan Quốc phòng Nhật Bản, những nhà làm luật từ cả hai bên thiết lập
một hội đồng nghị viện chính thức để thảo luận các vấn đề an ninh.