Tập đoàn quân 2, không phải là một vị trí thích hợp để điều động binh
lính trong một cuộc xung đột quân sự. Do đó, chính quyền lực tập hợp
từ các nhóm khác nhau trong quân đội Hàn Quốc chứ không phải là
năng lực riêng của Park đã cho phép ông vạch ra cuộc đảo chính và
sau đó là củng cố quyền lực trong chính quyền quân sự. Chìa khóa đưa
đến thành công của ông chính là chiến lược chia để trị nhằm vô hiệu
hóa các đối thủ mặc dù họ có sức mạnh lớn hơn trong quân đội.
Từ cải cách quân đội đến cách mạng quốc gia
Trớ trêu thay, chính cuộc Cách mạng của Sinh viên ngày 19 tháng 4
năm 1960 đã đưa các lực lượng vũ trang lên vũ đài trung tâm của nền
chính trị. Cuộc Cách mạng của Sinh viên không chỉ truyền tinh thần
cải cách đến quân đội Hàn Quốc mà còn giao phó cho lực lượng này
nhiệm vụ lập lại trật tự sau khi Lý Thừa Vãn mất chức ngày 26 tháng
4. Quân đội, đơn vị thực thi quân luật, giờ đây phải đối mặt với thử
thách phải trực tiếp quản lý đất nước. Bất ngờ bị đẩy vào vũ đài chính
trị đầy biến động và phải trực tiếp thực hiện cải cách cùng các lực
lượng xã hội, các sĩ quan quân đội cuối cùng cũng được dẫn dắt tới
việc hình thành quan điểm về những gì đang diễn ra trong nước. Đặc
biệt, những sĩ quan trẻ tuổi đã tập hợp thành các nhóm để chia sẻ
thông tin và quan điểm. Những cuộc họp đặc biệt này đã tạo điều kiện
thuận lợi cho một cuộc đảo chính khi chúng là chất xúc tác cho quá
trình phổ biến những ý tưởng cấp tiến và quan điểm cải cách về các
vấn đề gây khó khăn cho quân đội cũng như đất nước.
Vấn đề tham nhũng đã bùng lên trong một thời gian dài. Dưới thời
Lý Thừa Vãn, Đảng Tự do cầm quyền đã gây quỹ chính trị thông qua
những cách thức bất hợp pháp để mua chuộc sự ủng hộ của các chính
trị gia thuộc các đảng đối lập. Cũng như vậy, trong quân đội, các
tướng lĩnh ngụy tạo các báo cáo tồn kho quân nhu để tham nhũng tài
sản quân đội không chỉ cho mục đích cá nhân mà còn cho cả các quỹ
chính trị này. Việc chính trị hóa quân đội cũng trở thành một vấn đề
trầm trọng vì Lý Thừa Vãn đã thao túng lãnh đạo cấp cao của giới