vào hoạt động tổ chức đảo chính, vốn đang trở thành một bí mật mở
vào thời gian đó, Park đã cố gắng thuyết phục các sĩ quan ở Tổng cục
Phản gián tham gia. Để có thể trang bị súng ống và xe tăng cho liên
minh đảo chính, Park cũng cố gắng lôi kéo Sư đoàn 9, sư đoàn thiết
giáp chủ lực ở vùng lân cận Seoul. Tuy nhiên, cả hai cố gắng này đều
thất bại. Dù vậy, đội ngũ tổ chức đảo chính cũng được an ủi khi cả
Tổng cục Phản gián và Sư đoàn 9 đều không báo cáo âm mưu này lên
cấp cao hơn.
Đến cuối năm 1960, Park khởi động những buổi thảo luận khác bên
cạnh các cuộc họp đang diễn ra với nhóm nòng cốt nhằm mở rộng lực
lượng ủng hộ cho mình trong số các sĩ quan trẻ. Ông cố ý đặt mình
vào vị trí điều phối hoạt động của các bộ phận khác nhau thuộc liên
minh. Việc những người tham gia chỉ liên lạc và phối hợp thông qua
Park khiến ông trở thành vị chỉ huy thật sự của liên minh. Mạng lưới
rời rạc này cho phép Park tự do thao túng và linh hoạt điều chỉnh kế
hoạch theo những thay đổi trong môi trường chính trị. Khi cuộc đảo
chính thành công vào tháng 5 năm 1961, cũng cấu trúc này - một hệ
thống kiểm soát và cân bằng quyền lực giữa các thành viên nòng cốt
cấp trung, giữa các tá với các tướng, với Park ở vị trí trung tâm - đã hỗ
trợ đắc lực cho ông trong việc củng cố quyền lực. Một thành viên
trong một nhóm đồng cấp đã được Park mời vào liên minh hỗn tạp này
là Thiếu tướng Yi Chu-li. Park đã gặp Yi ở Daegu vào cuối năm 1960
để đưa ra ba nguyên tắc chi phối cụ thể:
• Khi cuộc đảo chính đã nổ ra, hai người sẽ yêu cầu Trung tướng Chang Do-
young, Tổng tham mưu trưởng, trở thành Chủ tịch Hội đồng Cách mạng để đưa
toàn bộ tổ chức quân đội ra chống lưng cho cuộc đảo chính. Việc thực hiện kế
hoạch đảo chính sẽ đặt dưới quyền kiểm soát của Park Chung Hee, người giữ vị
trí tổng tư lệnh Quân đội Cách mạng.
• Park có nhiệm vụ tổ chức cơ quan đầu não của Quân đội Cách mạng bằng việc
tuyển chọn các tướng lĩnh chiến đấu cho quân đội, trong khi Yi sẽ chịu trách
nhiệm tập hợp các lực lượng hỗ trợ cho khu vực hậu phương.