Con đèo quanh co hình chữ chi bám lấy một bên sườn
núi đá vôi, như bị một nhát dao của người khổng lồ chém
xuống tạo thành một bức tường dựng đứng.
Đỉnh đèo có hai ngả rẽ. Phía bên trái tiếp tục lên cao
đi vào Trà Lĩnh, bên đường có lối vào hồ Thang Hen -
một chuỗi hồ cacxtơ điển hình; phía bên phải xuống dốc
đi Quảng Uyên, Trùng Khánh, nơi có thắng cảnh thác
Bản G iốc.
Đèo Mã Phục gắn liền với huyền thoại Nùng Chí Cao.
Vào thời nhà Lí, Nùng Chí Cao - một tù trưởng hùng mạnh
chiếm cứ đất Cao Bằng - từng vượt biên giới, làm loạn cả
nhà Tống. Thuở ấy đường sá chưa có, Nùng phóng ngựa
đến đây gặp dốc đứng, ngựa chồn chân, khuỵu xuống phủ
phục dưới chân đèo. Từ đó đèo này có tên là đèo Mã Phục.
Đèo Mã Phục cùng với dãy núi đá vôi nơi đây ngăn
cách làm khí hậu miền đông Cao Bằng mát mẻ hơn miền
tây, có thể trồng được những đặc sản như lê, mận, hạt dẻ
mà miền tây không trồng được. Miền đông vào mùa đông
rất lạnh, thường có sương muối phủ trắng mái nhà trông
như tuyết.
Đỉnh đèo Mã Phục luôn lộng gió, là nơi dừng chân nghỉ
hóng gió của lữ khách xuôi ngược trên đường. Trước đây,
đỉnh đèo hoang vắng, ngày nay đã hình thành một ngôi
chợ độc đáo bán đặc sản miền núi và thịt bò có "thương
hiệu" ngon và rẻ.