ĐÈO CẢ
Đèo Cả nằm ở ranh giới hai tỉnh Phú Yên và Khánh
Hòa. Nó là một đoạn quốc lộ 1A vắt qua khu vực núi Đại
Lãnh, dài 8 km, đỉnh đèo có độ cao 333 m.
Đây là một con đèo thuộc loại hiểm trở nhất, nhưng
cũng nổi tiếng vì vẻ đẹp của nó. Một bên là những vách
núi, cây cối và đá núi, một bên là vịnh Vũng Rô nước xanh
trong vắt.
Đèo Cả được dùng đặt tên cho một phức hệ địa chất
cấu tạo bởi đá granit vững chắc. Bên đường có những vết
đá lộ ra làm minh chứng cho những thời kì đá macma xâm
nhập từ lòng sâu Trái đất xuyên lên. Sinh viên địa chất
thường được các thầy dẫn đến đây thực tập quan sát.
Trên đỉnh đèo, ta còn có thể nhìn thấy một đỉnh đá
vươn lên trời cao, được gọi là núi Đá Bia hay Thạch Bi Sơn,
còn dân gian thì gọi là núi ông. Đó là một khối đá thiên
nhiên khổng lồ cao khoảng 80 m, có thể nhìn thấy từ xa.
Tương truyền, vào thế kỉ 15, vua Lê Thánh Tông đâ sai khắc
chữ lên đó để đánh dấu ranh giới của Đại Việt. Núi Đá Bia
đã được công nhận là Di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia.
Vào những năm 1771 -1802, nhiều cuộc giao chiến giữa
chúa Nguyễn Phúc Ánh và anh em nhà Tây Sơn đã diễn
ra tại đây. Vào tháng 1 năm 1947, Đèo Cả trở thành chiến
trường giữa quân Pháp và quân đội nhân dân Việt Nam.